(TBTCVN) – Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 39/2018/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC).
Có hiệu lực từ 5/6/2018, giúp doanh nghiệp (DN) và cơ quan hải quan có căn cứ thực thi Nghị định 59/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP) quy định chi tiết về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Đồng bộ quy định về hồ sơ hải quan
Theo đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), Thông tư 39/2018/TT-BTC (Thông tư 39), một trong những điểm quan trọng được bổ sung, sửa đổi so với Thông tư 38/2015/TT-BTC (Thông tư 38) là quy định về hồ sơ hải quan được chuẩn hóa và thống nhất. Cụ thể, trong Thông tư 38 hồ sơ hải quan được quy định rải rác ở nhiều điều (Điều 16; Điều 82; Điều 86; Điều 87; Điều 93; Điều 142; Điều 143); không quy định rõ ràng số lượng chứng từ phải nộp, xuất trình tại thời điểm thông quan, tại thời điểm kiểm tra sau thông quan và đặc biệt những chứng từ phải lưu tại trụ sở DN để chứng minh việc khai báo hải quan đã thực hiện. Do đó, cả DN và cán bộ hải quan khá lúng túng trong việc xác định những chứng từ nào là chứng từ phải nộp trong khi thực hiện thủ tục hải quan, những chứng từ nào phải lưu tại DN và nếu đã nộp cho cơ quan hải quan thì có phải lưu tại DN nữa hay không?
Tháo gỡ vướng mắc này, hồ sơ hải quan đã được quy định gọn tại Điều 16 và Điều 16a, Thông tư 39. Cụ thể, Điều 16 quy định hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan, theo nguyên tắc các chứng từ phải nộp là những chứng từ cần thiết trong quản lý hải quan. Điều 16a quy định việc lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK), đã liệt kê tất cả các chứng từ mà người khai hải quan phải lưu giữ và xuất trình cho cơ quan hải quan khi cần kiểm tra sau thông quan hoặc thanh tra chuyên ngành. “Quy định này đảm bảo tính minh bạch, dễ dàng cho người khai hải quan và cả cơ quan hải quan biết chính xác những chứng từ phải lưu giữ và những chứng từ được kiểm tra”, đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan nhấn mạnh.
Một điểm mới tạo thuận lợi cho DN nêu trong Nghị định 59 được Thông tư 39 cụ thể hóa là nộp hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử. Theo cơ quan hải quan, quy định hiện nay cho phép người khai hải quan có thể lựa chọn nộp hồ sơ hải quan dưới dạng giấy hoặc dạng điện tử. Nhưng thực tế vẫn còn tình trạng hải quan cửa khẩu yêu cầu DN ngoài hồ sơ điện tử phải nộp cả hồ sơ giấy. Điều này gây mất thời gian, tăng chi phí cho DN, chưa đảm bảo được việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng điện tử, hạn chế tiếp xúc giữa DN và cơ quan hải quan. Do đó, quy định mới sẽ tháo gỡ được vướng mắc hiện tại.
Đảm bảo chống gian lận vi phạm về hải quan
Cũng theo đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan, so với Thông tư 38, Thông tư 39 có bổ sung, sửa đổi các quy định về kiểm soát hải quan, đảm bảo ngăn ngừa gian lận vi phạm về hải quan.
Thông tư 39 có nhiều điểm mới nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế, trong các trường hợp sau khi hàng hóa đã được thông quan để người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng nhưng không tự giác khai báo với cơ quan hải quan; đồng thời đảm bảo xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tế, đặc biệt là trong công tác kiểm tra sau thông quan đối với mọi trường hợp phát sinh.
Cụ thể, nội dung này được sửa đổi theo hướng quy định rõ cách thức xác định số tiền thuế phải nộp đối với các trường hợp trên tờ khai XK hoặc NK lần đầu đã xác định được số tiền thuế. Trường hợp trên các tờ khai lần đầu đã xác định được số tiền thuế, thì số tiền thuế ấn định là số tiền thuế trung bình được xác định bằng cách lấy tổng số tiền các tờ khai nhân với tổng số hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng. Thời hạn nộp tiền thuế ấn định và tính tiền chậm nộp tính theo thời hạn nộp thuế của tờ khai XK hoặc NK cuối cùng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế phải nộp số tiền thuế chậm nộp với số tiền nhỏ nhất.
Bên cạnh đó, Thông tư 39 quy định rõ cách thức xác định số tiền thuế phải nộp đối với trường hợp tờ khai lần đầu không có số liệu về số tiền thuế hoặc không xác định được căn cứ tính thuế; thời hạn phải gửi quyết định ấn định thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 8 giờ làm việc.
Trường hợp tờ khai lần đầu không có số liệu về số tiền thuế hoặc không xác định được căn cứ tính thuế, cơ quan hải quan ấn định thuế dựa trên số lượng, chủng loại, trị giá tính thuế, mức thuế, tỷ giá tính thuế, phương pháp tính thuế tại thời điểm ban hành quyết định ấn định thuế.
Ngoài các nội dung trên, Thông tư 39 còn sửa đổi các quy định về thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế; xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; tiền phạt được hoàn…
Thông tư 39 cũng quy định về việc hủy tờ khai và đưa hàng về bảo quản, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; miễn giảm hoàn thuế, giá trị tính thuế…