Nội Dung Chính
Theo như bộ luật thì có các điều kiện vận chuyên hàng không như sau:
Chương I: Quy Định Chung
Điều 1. Mục đích
Điều lệ vận chuyển hàng hoá được xây dựng nhằm những mục đích sau:
- Điều lệ là khung pháp lý cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ trong vận chuyển hàng hoá trên các chuyến bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP;
- Điều lệ là cơ sở để người vận chuyển ban hành các quy định và hướng dẫn thực hiện việc vận chuyển hàng hoá trên các chuyến bay của người vận chuyển.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Các quy định trong Điều lệ này áp dụng cho việc vận chuyển hàng hoá trên các chuyến bay của người vận chuyển.
Tuy nhiên, người vận chuyển có quyền loại trừ việc áp dụng bất kỳ phần nào hoặc tất cả các điều khoản này đối với hàng hóa được vận chuyển miễn cước.
Đối với các chuyến bay thuê chuyến, Điều lệ này sẽ được áp dụng đối với hợp đồng thuê chuyến không có giá thuê chuyến trừ khi người vận chuyển có quyền miễn trừ với tất cả hoặc một phần Điều lệ này. Tuy nhiên, Điều lệ này sẽ không áp dụng đối với hàng hóa được vận chuyển trên các chuyến bay thuê chuyến áp dụng giá thuê chuyến của người vận chuyển (nếu có) trừ khi được quy định rõ trong giá thuê chuyến. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa điều khoản áp dụng của Điều lệ này và điều khoản thể hiện tại hoặc dẫn chiếu đến trong hợp đồng thuê chuyến, điều khoản của hợp đồng thuê chuyến sẽ được áp dụng và người gửi hàng, khi đã chấp nhận việc vận chuyển theo hợp đồng thuê chuyến, phải chấp nhận ràng buộc theo các điều khoản của hợp đồng thuê chuyến.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây gọi là tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận chuyển hàng hoá và thực hiện các dịch vụ liên quan đến vận chuyển hàng hoá được tuân thủ theo các quy định tại Điều lệ này và các quy định khác có liên quan.
- Các cơ quan, đơn vị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP.
Điều 4. Giải thích thuật ngữ
Trong Điều lệ này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Điều lệ: Là Điều lệ vận chuyển hàng hóa của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP.
- Người vận chuyển: Là Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP.
- Cơ quan: Là Văn phòng, các Ban chuyên môn nghiệp vụ và tương đương của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP.
- Đơn vị: Là các đơn vị hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị sự nghiệp nằm trong cơ cấu Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP.
- Vận chuyển: Là việc chuyên chở hàng hoá bằng đường hàng không hoặc các phương tiện vận chuyển khác kể cả miễn cước hoặc thu phí.
- Đại lý: Trừ khi có yêu cầu khác, đại lý là bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức thay mặt người vận chuyển thực hiện các công việc liên quan đến vận chuyển hàng hoá theo hợp đồng đại lý hoặc được người vận chuyển uỷ quyền, trừ trường hợp họ chính là người gửi hàng đối với một lô hàng được vận chuyển theo Điều lệ này.
- Người gửi hàng: Là người có tên trên vận đơn hàng không, là bên ký kết hợp đồng với người vận chuyển để vận chuyển hàng hóa.
- Người nhận hàng: Là người có tên trên vận đơn hàng không, là người mà người vận chuyển giao hàng cho họ.
- Hàng hoá: Là bất kỳ tài sản nào được vận chuyển hoặc sẽ được vận chuyển trong hầm hàng tàu bay theo vận đơn hàng không, trừ hàng thư tín, hành lý và tài sản của người vận chuyển. Tuy nhiên, hành lý được vận chuyển theo vận đơn hàng không sẽ được coi là hàng hoá.
- Lô hàng: Trừ khi có quy định khác trong Điều lệ này, lô hàng là một hoặc nhiều kiện, hoặc bó hàng hóa được chấp nhận từ một người gửi hàng ở một thời điểm và tại một địa điểm, dưới một vận đơn hàng không, để vận chuyển đến một điểm đến cho một người nhận hàng.
- Vận đơn hàng không: Là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng.
- Vận đơn hàng không có thể ở dạng giấy (vận đơn hàng không giấy) hoặc dạng điện tử (vận đơn hàng không điện tử).
- Dữ liệu điện tử: Là bất kỳ bản ghi nào của hợp đồng vận chuyển được lưu giữ bởi người vận chuyển, là bằng chứng khác với vận đơn hàng không giấy, và là hình thức thể hiện của vận đơn hàng không điện tử. Dữ liệu điện tử là tập hợp các dữ liệu điện tử mô tả các thông tin về lô hàng vận chuyển được lưu giữ tại cơ sở dữ liệu của người vận chuyển.
- Biên lai hàng hóa: Là tài liệu (dưới dạng giấy hoặc điện tử) do người vận chuyển cung cấp cho người gửi hàng ngoại trừ có thỏa thuận khác giữa các bên. Nó tương đương một bản ghi chứa các thông tin của lô hàng thay thế cho việc xuất vận đơn hàng không và là bằng chứng lô hàng đã được chấp nhận, sẵn sàng để vận chuyển.
- Công ước áp dụng: Trừ khi có những yêu cầu khác, các công ước sau đây sẽ được áp dụng cho hợp đồng vận chuyển:
- a) Công ước thống nhất một số quy tắc liên quan đến chuyên chở quốc tế bằng đường hàng không, ký kết tại Warsaw, ngày 12 tháng 10 năm 1929 (Công ước Warsaw);
- b) Công ước Warsaw được sửa đổi tại Hague ngày 28 tháng 9 năm 1955.
- Trọng lượng tính cước: trọng lượng tính cước có thể là trọng lượng thực hay trọng lượng theo thể tích của lô hàng, sử dụng trọng lượng nào cao hơn. Tuy nhiên, khi có mức cước thấp hơn tính cho mức trọng lượng tối thiểu cao hơn, mức trọng lượng tối thiểu cao hơn được sử dụng là trọng lượng tính cước.
- Dịch vụ đón hàng: Là dịch vụ vận chuyển mặt đất lô hàng từ địa chỉ của người gửi hàng hoặc đại lý được chỉ định đến sân bay xuất phát để chuyển hàng đi bao gồm quá trình vận chuyển mặt đất giữa các sân bay.
- Dịch vụ trả hàng: Là dịch vụ vận chuyển mặt đất lô hàng từ sân bay đến tới địa chỉ người nhận hàng hay đại lý được chỉ định hoặc đến nơi lưu giữ của cơ quan nhà nước theo yêu cầu.
- Ngày: Là ngày đầy đủ theo lịch bao gồm cả ngày Chủ nhật và nghỉ lễ.
- EDI: Được viết tắt từ Electronic Data Interchange được hiểu là trao đổi dữ liệu điện tử.
- SDR: Được viết tắt từ Special Drawing Rights được hiểu là đơn vị tính toán do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được quy ước là Quyền rút vốn đặc biệt.
- SLI: Được viết tắt từ Shipper’s Letter of Instruction được hiểu là Hướng dẫn của người gửi hàng, là tài liệu chứa đựng các chỉ dẫn của người gửi hàng hoặc người được ủy quyền của người gửi hàng để chuẩn bị tài liệu và gửi hàng.
- ULD: Được viết tắt từ Unit Load Device được hiểu là thiết bị chất xếp của tàu bay bao gồm thùng (container), thùng gắn liền mâm (igloo), mâm hàng (pallet).
Chương II: Chấp Nhận Vận Chuyển
Điều 5. Tiếp nhận hàng hoá
Người vận chuyển chấp nhận vận chuyển các lô hàng theo khả năng về trang thiết bị và tải cung ứng. Ngoài việc tuân thủ theo các quy định của người vận chuyển, việc tiếp nhận hàng hoá còn phải tuân thủ:
- Việc vận chuyển không bị cấm bởi luật pháp hoặc quy định của các quốc gia liên quan trên hành trình của lô hàng.
- Hàng hoá được đóng gói, đánh dấu, dán nhãn theo đúng quy cách phù hợp với vận chuyển đường không.
- Hàng hoá có đầy đủ các tài liệu cần thiết đi kèm.
- Hàng hoá không gây nguy hại đến tàu bay, tài sản, con người và hàng hoá khác.
Người vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển hàng hoá khi hoàn cảnh yêu cầu mà không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm nào.
Điều 6. Hạn chế giá trị vận chuyển
Người vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển lô hàng/nhóm lô hàng có giá trị khai báo vận chuyển vượt quá 2.000.000USD hoặc tương đương trên một chuyến bay.
Điều 7. Đóng gói, đánh dấu và dán nhãn hàng hoá
- Người gửi hàng có trách nhiệm đảm bảo rằng hàng hoá đã được đóng gói phù hợp cho việc chuyên chở, đồng thời phải đảm bảo:
- a) Hàng hoá có thể vận chuyển an toàn trong điều kiện phục vụ bình thường.
- b) Hàng hoá có thể chịu đựng được trong điều kiện thời tiết thông thường như: mưa, gió, nóng và lạnh.
- c) Việc đóng gói phải đảm bảo hàng hoá không làm tổn hại cho người, động vật, hàng hoá và tài sản.
- d) Mỗi kiện hàng phải được đánh dấu xác định người gửi hàng, người nhận hàng đảm bảo dễ nhìn và không bị mờ.
- e) Mỗi kiện hàng phải được dán nhãn nhận dạng hàng hoá và nhãn hàng hoá đặc biệt (khi gửi hàng đặc biệt) theo yêu cầu của người vận chuyển tuỳ từng loại hàng.
- Các kiện hàng có chứa hàng giá trị phải được đóng gói chắc chắn và được niêm phong nếu được người vận chuyển yêu cầu.
- Người vận chuyển không chịu trách nhiệm phải ghi chép hoặc nhận biết về bất kỳ thông tin có trong lô hàng gom hoặc trước khi đóng gói lô hàng.
- Người vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển hàng hoá nếu hàng hoá đó được đóng gói, dán nhãn hoặc đánh dấu không phù hợp.
Điều 8. Chấp nhận hàng đặc biệt
- Hàng đặc biệt bao gồm nhưng không giới hạn ở hàng giá trị cao, hàng nguy hiểm, hàng động vật sống, hàng mau hỏng, hàng dễ vỡ, hàng xác người,…, chỉ được chấp nhận vận chuyển với điều kiện đáp ứng đầy đủ quy định vận chuyển hàng hoá của người vận chuyển và quy định của các quốc gia liên quan.
- Đối với hàng nguy hiểm, người gửi hàng phải chịu trách nhiệm chứng minh bản chất lô hàng đảm bảo tuân thủ quy định của người vận chuyển và các quy định liên quan. Trong quá trình vận chuyển, theo quan điểm của người vận chuyển, nếu lô hàng được phát hiện là nguy hiểm, dễ cháy nổ, có nguy cơ gây hại, hoặc bản chất dễ bị hư hại, người vận chuyển có quyền giữ lại hàng, phá hủy, từ bỏ lô hàng với chi phí do người gửi hàng chịu mà không có nghĩa vụ bồi thường cho người gửi hàng.
- Nếu người gửi hàng vi phạm việc khai báo khi gửi hàng nguy hiểm, người gửi hàng đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của người vận chuyển:
- Người vận chuyển có thể tạm dừng việc vận chuyển hàng hóa của người gửi hàng vi phạm trong một thời gian và thông báo cho người gửi hàng đó;
- Sau khi tiến hành đánh giá hành động khắc phục của người gửi hàng vi phạm, người vận chuyển sẽ đưa ra quyết định về việc chấp nhận vận chuyển trở lại hàng hóa của người gửi hàng đó;
- Người gửi hàng chịu trách nhiệm bồi thường cho người vận chuyển và cho người thứ ba đối với thiệt hại phát sinh từ việc vi phạm trong khai báo khi gửi hàng.
- Các hàng hoá đặc biệt phải được đóng gói và có đủ tài liệu chứng minh phù hợp với quy trình phục vụ hàng hoá đặc biệt của người vận chuyển và quy trình này là một phần của Điều lệ này. Trong trường hợp lô hàng đặc biệt bị hư hại với bất cứ lý do gì, người vận chuyển có quyền xử lý theo quy trình được cho là phù hợp nhất.
- Người gửi hàng phải chịu trách nhiệm về việc không tuân thủ các điều kiện về vận chuyển hàng đặc biệt và người gửi hàng có trách nhiệm đền bù cho người vận chuyển đối với bất cứ mất mát, hư hại, chậm trễ hoặc bị phạt do việc vận chuyển loại hàng hóa đó gây ra.
Điều 9. Quyền kiểm tra hàng hoá của người vận chuyển
Người vận chuyển có quyền kiểm tra bao bì và nội dung của lô hàng và yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ thông tin hoặc tài liệu liên quan đến lô hàng. Tuy nhiên, người vận chuyển không có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện như vậy.
Người gửi hàng phải đảm bảo cung cấp cho người vận chuyển các thông tin về số kiện, trọng lượng kiện hàng tại thời điểm đặt giữ chỗ và chấp nhận hàng. Tuy nhiên, do người vận chuyển không có nghĩa vụ phải kiểm tra nội dung của lô hàng, người vận chuyển được miễn trừ trách nhiệm đối với các chi phí phát sinh do người gửi hàng không tuân thủ việc cung cấp thông tin này.
Điều 10. Người gửi hàng tự chất xếp
Khi người gửi hàng thực hiện việc chất hàng hoá lên ULD, phải tuân thủ hướng dẫn chất xếp của người vận chuyển và phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho người vận chuyển đối với mọi hậu quả do việc không tuân thủ các hướng dẫn đó.