Câu hỏi: 17542:
Công ty tới muốn nhập thức ăn thủy sản ( như thức ăn cho tôm, cá,… ) hiện tại do lần đầu nhập mặt hàng trên nên công ty chúng tôi chưa biết về thủ tục Hải quan, mã hs code và chính sách nhập khẩu đối với loại hàng nêu trên.
Vướng mắc nêu trên, Cục Hải quan Đồng Nai có ý kiến trao đổi như sau:
Do Công ty không cung cấp đầy đủ thông tin chỉ nêu chung chung tên hàng hóa nên chúng tôi không có cơ sở để tư vấn chính xác nội dung vướng mắc. Công ty có thể tham khảo nội dung sau:
1/ Chính sách hàng hóa:
Để xác định hàng hóa có được phép nhập khẩu hoặc nhập khẩu phải có điều kiện hay không đề nghị Công ty nghiên cứu các quy định sau để thực hiện:
– Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
– Căn cứ Điều 35 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông quy định:
“Điều 35. Nhập khẩu thức ăn thủy sản (bao gồm thức ăn hỗn hợp, chất bổ sung thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản)
1. Nhập khẩu không phải xin phép:
Thức ăn thủy sản đã có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam (đã được phép lưu hành) hoặc có văn bản công nhận được phép lưu hành tại Việt Nam, khi nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục tại cơ quan hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp sản phẩm chưa có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam (chưa được phép lưu hành) thương nhân phải làm thủ tục đăng ký lưu hành trước khi nhập khẩu.
2. Nhập khẩu phải xin phép:
Thức ăn thủy sản chưa có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam (chưa được lưu hành) hoặc chưa có văn bản công nhận được phép lưu hành tại Việt Nam nhập khẩu để khảo nghiệm, nghiên cứu, giới thiệu tại hội chợ triển lãm, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm. Trình tự, thủ tục cấp phép thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều này và Điều 6 Thông tư này.”
Do đó, đề nghị Công ty căn cứ vào loại thức ăn chăn nuôi thủy sản mà công ty sẽ nhập khẩu có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hay chưa để thực hiện việc cấp phép từ Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản trước khi nhập khẩu.
Ngoài ra, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu còn được điều chỉnh theo Điều 11, Điều 12 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/2/2010 của Chính phủ.
”Điều 11. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
2. Trường hợp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Nhập khẩu để khảo nghiệm phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thực hiện việc khảo nghiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này;
b) Nhập khẩu để kiểm nghiệm hoặc sản xuất, gia công nhằm mục đích tái xuất theo hợp đồng đã đăng ký với nước ngoài hoặc giới thiệu tại các hội chợ triển lãm phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chấp hành sự kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý hàng hoá thức ăn chăn nuôi không đảm bảo chất lượng và đền bù thiệt hại gây ra cho người chăn nuôi.
4. Trình tự, thủ tục nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 12. Khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi
1. Thức ăn chăn nuôi phải khảo nghiệm là các loại thức ăn mới. Nội dung, trình tự và thủ tục khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
2. Thức ăn chăn nuôi mới không phải khảo nghiệm nếu là kết quả của các công trình nghiên cứu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật”.
Đề nghị Công ty căn cứ vào thành phần cấu tạo, công dụng và tên gọi thương phẩm của hóa chất thực tế nhập khẩu và đối chiếu với các quy định trên để kiểm tra xem mặt hàng hóa chất của mình thuộc danh mục nào và thực hiện theo đúng quy định
2/ Về mã số hàng hóa và chính sách thuế:
Để xác định mã HS của hàng hóa cần căn cứ vào tính chất, thành phần cấu tạo,…của hàng hóa thực tế nhập khẩu và căn cứ Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 của Bộ Tài chính; 06 (sáu) quy tắc phân loại tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC; Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng;
3/ Về bảng mã loại hình:
– Căn cứ theo hướng dẫn khai chỉ tiêu 1.4.Mã loại hình tại Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định như sau:
“Người nhập khẩu theo hồ sơ, mục đích nhập khẩu của lô hàng để chọn một trong các loại hình nhập khẩu theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Tham khảo bảng mã loại hình trên website www.customs.gov.vn”
Do đó, đề nghị Công ty tham khảo Bảng mã loại hình XNK trên hệ thống VNACCS tại công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 31/3/2015 của Tổng cục Hải quan để khai báo loại hình tờ khai phù hợp mục đích nhập khẩu.
4/ Thủ tục nhập khẩu:
– Hồ sơ, thủ tục nhập khẩu thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều 16, Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính
Theo đó, công ty chỉ được phép nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi có trong Danh mục được phép lưu hành theo nhu cầu và phải thực hiện kiểm tra chất lượng nhà nước theo điều 15 Thông tư số 66/2011/TT-BNNPTNT nêu trên.
Đề nghị công ty tham khảo nội dung của các quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.