Nội Dung Chính
Cảnh báo: Những điều bạn phải biết để tránh rủi ro khi giao thương với các doanh nghiệp Châu Phi
Châu Phi là một thị trường cung cấp các loại nguyên liệu đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng doanh nghiệp châu Phi lừa tiền đặt cọc của nhà nhập khẩu Việt Nam, không chịu giao hàng hoặc không thanh toán tiền hàng khi nhập khẩu như cam kết trong hợp đồng. Indochinapost xin đưa ra các lưu ý cấp thiết cho doanh nghiệp và bạn đọc tham khảo để hạn chế thấp nhất rủi ro trong quan hệ giao thương với các doanh nghiệp châu Phi.
Để tránh những rủi ro và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường châu Phi, doanh nghiệp cần:
1. Tìm hiểu thông tin tổng quan về thị trường Châu Phi
- Tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách, khảo sát thị trường do Bộ Công Thương và các cơ quan XTTM tổ chức.
- Tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế tổ chức tại mỗi nước và các cuộc hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp song phương.
- Chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh trên các trang web chính thức như trang vietnamexport.com, trang moit.gov.vn của Bộ Công Thương Việt Nam
- Thông qua Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cũng như các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại châu Phi như Algeria, Ai Cập, Maroc, Nam Phi, Nigeria.
- Để xác minh doanh nghiệp đối tác nước ngoài, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp địa chỉ đầy đủ bao gồm cả giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu và địa chỉ ngân hàng nơi doanh nghiệp đó mở tài khoản và gửi cho Thương vụ Việt Nam tại châu Phi hoặc gửi về Bộ Công Thương để xác minh trước khi tiến hành giao dịch.
2. Tuân thủ các bước giao dịch thương mại
- Hỏi hàng: Nội dung hỏi hàng không giới hạn, cần thông tin gì thì hỏi về thông tin đó và đây chính là bước để doanh nghiệp nghiên cứu, thăm dò thị trường.
- Chào bán hàng: Các doanh nghiệp phải cẩn trọng đối với hình thức Chào hàng tự do bởi người cung cấp không bị ràng buộc trách nhiệm cung cấp hàng hóa một cách chắc chắn và có thể bán cho nhiều người cùng một lúc.
- Đặt mua hàng
- Hoàn giá: Doanh nghiệp khi thương lượng giá phải xem xét thật kỹ hình thức thương lượng và chấp nhận giá của đối tác.
- Chấp nhận:Theo luật pháp Việt Nam các điều kiện để chấp nhận được thực hiện:
- Phải được chính người nhận đề nghị ký hợp đồng phát ra
- Phải là sự đồng ý hoàn toàn và vô điều kiện
- Phải được thực hiện trong thời gian hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng
- Phải được truyền đạt đến người đề nghị ký hợp đồng
- Phải theo hình thức mà luật yêu cầu.
- Xác nhận
Lưu ý: Cảnh báo rủi ro khi giao dịch
- Các Doanh nghiệp nên hạn chế tối đa việc xuất nhập khẩu qua trung gian khi giao thương với các nước Châu Phi.
- Nên chọn hình thức xuất nhập khẩu trực tiếp để nắm bắt được diễn biến tình hình thị trường và chủ động đối phó với những biến động phức tạp trên thị trường.
- Bên cạnh đó nếu DN thực hiện các hình thức giao dịch đặc biệt như: Mua bán đối lưu thì cần lưu ý các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng:
- Dùng thư tín dụng đối ứng
- Dùng bên thứ ba khống chế hàng hóa hay chứng từ sở hữu hàng hóa
- Sử dụng tài khoản đặc biệt tại ngân hàng hoặc phạt bằng ngoại tệ mạnh
- Đối với Giao dịch tái xuất các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng là tiền đặt cọc, phạt vi phạm hợp đồng, sử dụng thư tín dụng giáp lưng L/C.
3. Tìm hiểu kỹ Incoterms (Các điều kiện thương mại quốc tế) và hợp đồng trong giao dịch hàng hóa mà doanh nghiệp kinh doanh.
- Nghiên cứu lựa chọn thị trường và đối tác
- Lựa chọn hình thức xuất nhập khẩu
- Xây dựng giá hàng xuất nhập khẩu: Đặc biệt lưu ý đến kỹ thuật điều chỉnh giá cả thường thực hiện bằng phương pháp tiếp cận chi phí sau đó cộng thêm với lợi nhuận định mức: Cơ cấu giá hàng xuất khẩu theo điều kiện FOB, CFR, CIF
- Lập các phương án kinh doanh
- Giao dịch, đàm phán ký kết hợp đồng
- Tổ chức xuất khẩu hàng hóa
3.2 Cảnh báo rủi ro khi doanh nghiệp giao dịch với khách hàng qua các trang mạng internet.
Đã có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng lên con “tàu ma” và hàng hóa đã không đến được địa chỉ cần đến.
Có cả những hình thức lừa đảo tinh vi hơn khi doanh nghiệp Việt Nam nhận được xác nhận của Ngân hàng trung gian của nước sở tại về việc Doanh nghiệp đối tác đã gửi tiền thanh toán một phần.
Nhưng khi hàng được giao xong xuôi thì thực tế vẫn không có tiền trong tài khoản. Đó là hình thức lừa đảo kết hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp Châu Phi vô cùng nguy hiểm khiến doanh nghiệp chúng ta trở tay không kịp.
3.3 Doanh nghiệp nên sử dụng các hợp đồng mẫu khi tham gia ký kết và lựa chọn hình thức đàm phán bằng gặp gỡ trực tiếp.
Hơn nữa khi ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài thì doanh nghiệp rất cần có luật sư hoặc các chuyên gia pháp lý quốc tế tư vấn. Riêng đối với các chế định về trọng tài trong hợp đồng, doanh nghiệp phải rất cụ thể và chi tiết.
3.4 Những điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại phải ghi rõ và chính xác tổ chức giải quyết tranh chấp.
Địa điểm, ngôn ngữ, pháp luật làm căn cứ cũng phải ghi rất cụ thể. Có rất nhiều hợp đồng thương mại ghi không đúng tên tổ chức giải quyết tranh chấp.
Hợp đồng chỉ cần ghi sai một vài chữ trong tên của tổ chức trọng tài là điều khoản trọng tài đó sẽ không có giá trị. Doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều thiệt hại vì ghi không chuẩn tên của tổ chức giải quyết tranh chấp.
Việc các doanh nghiệp lựa chọn tổ chức trọng tài nào cho đỡ tốn kém về chi phí đi lại, chi phí khởi kiện và thực thi là điều cần phải xem xét thật kỹ.
3.5 Cảnh báo rủi ro trong việc tổ chức xuất khẩu hàng hóa
Đây là khâu cực kỳ quan trọng quyết định đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nên chắc hẳn các doanh nghiệp cũng chú trọng nhất vào khâu này. Trong đó các vấn đề liên quan đến thanh toán tiền hàng gây ra rất nhiều mất mát cho DN Việt Nam. Nhiều vụ lừa đảo tinh vi có sự móc nối ngay giữa ngân hàng tại nước sở tại và Doanh nghiệp Châu Phi đó.
Do đó về phương thức thanh toán DN Việt Nam cần lưu ý:
- Các doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C (Letter of Credit) không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm.
- Không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Document Acceptance – nhờ thu chấp nhận chứng từ) đối với các khách hàng ở châu Phi do rủi ro mất hàng.
- Nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P (Document Against Payment – nhờ thu kèm chứng từ), doanh nghiệp nên kèm theo điều khoản tiền đặt cọc (deposit), tốt nhất là từ 30% trở lên để bảo đảm an toàn cho đơn hàng.
- Về nhập khẩu hàng từ thị trường này, doanh nghiệp Việt cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu.
- Khi đàm phán ký kết hợp đồng, nên lựa chọn phương thức giao hàng và thanh toán an toàn (cố gắng để không phải đặt cọc hoặc đặt cọc ít). Đối với những đơn hàng đầu tiên chỉ nên mua với khối lượng nhỏ.
Trên đây là một số những lưu ý cho các Doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng thị trường sang các nước châu Phi. Tuy nhiên trong hoạt động giao thương sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề nữa các doanh nghiệp cần phải cẩn trọng, đặt an toàn hàng hóa, lợi ích của mình lên hàng đầu và xem xét thật kỹ trước khi quyết định hợp tác với các doanh nghiệp Châu Phi.