Nội Dung Chính
Giải đáp tất tần tật về hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất
Trong bài viết này, Indochinapost sẽ giải đáp cho quý khách về những thắc mắc phổ biến.xoay quanh hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Nội dung Indochinapost cung cấp dưới đây căn cứ vào các quy định ở văn bản pháp lý
- Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12/6/2017.
- Thông tư số 11/2017/TT-BCT quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa.
- Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương ban hành bởi chính phủ
- Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13
Hỏi: Tôi muốn hỏi về việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất là như thế nào?
Đáp: Kinh doanh tạm nhập, tái xuất là một trong những hình thức tạm nhập, tái xuất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên hình thức này cũng có nhiều điều kiện khắt khe hơn. Về định nghĩa, quý khách có thể hiểu đơn giản rằng :
- Tạm nhập – Khi thương nhân Việt Nam mua hàng hóa từ một nước khác hoặc từ khu vực hải quan riêng đưa vào nội địa, được thực hiện đầy đủ thủ tục thông quan nhập khẩu vào Việt Nam, lưu lại Việt Nam trong thời gian ngắn.
- Tái xuất – Sau đó thương nhân Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đã nhập khẩu này và bán sang một quốc gia khác hoặc có thể là chính quốc gia đã xuất khẩu ban đầu.
Hỏi: Điều kiện tạm nhập, tái xuất theo hình thức kinh doanh tại Việt Nam?
Đáp: Căn cứ vào điều 39 Luật quản lý ngoại thương quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Ngoài việc doanh nghiệp phải được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật, và được Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa, thì thương nhân còn phải:
a. Có giấy phép từ Bộ Công Thương về việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với:
- Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu;
- Hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
- Hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;
- Hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu,.hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu
b. Đáp ứng các điều kiện đã được quy định đối với hàng hóa thuộc ngành, nghề kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện (xem chi tiết tại Phụ lục VII, VIII, IX Nghị định 69/2018/NĐ-CP )
>> Chỉ phải làm thủ tục tại cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a, điểm b khoản này và Điều 40 của Luật này.
Hỏi: Những hàng hóa nào Nhà nước cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất?
Đáp: Căn cứ vào Điều 40 thuộc Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu đối với:
- Hàng hóa là chất thải nguy hại, phế liệu, phế thải;
- Hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu theo điều ước quốc tế.mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Hàng hóa là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng có nguy cơ gian lận thương mại;
- Hàng hóa có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.
Hỏi: Thời hạn lưu hàng hóa tạm nhập tái xuất để kinh doanh tại Việt Nam
Đáp: Theo mục 4 điều 13 thuộc Nghị định 69/2018/NĐ-CP, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chỉ được lưu lại lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn nhất định. Cụ thể:
- Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.
- Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn. gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.
>> Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy.
Hỏi: Cách gia hạn cho tờ khai tạm nhập?
Đáp: Nếu thương nhân thấy thời gian tạm nhập sắp đến hiệu lực mà hàng hóa chưa sẵn sàng để xuất thì phải làm thủ tục gia hạn cho tờ khai tạm nhập. Bộ hồ sơ cho quy trình này là:
- Tờ khai tạm nhập bản gốc (liên do người nhập khẩu giữ) + bản photo sao y
- Công văn xin gia hạn
- Hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu
- Điều khoản, phụ lục có ghi gia hạn trong hợp đồng thuê mướn; hoặc email, công văn thông báo cần thêm thời gian gia hạn.
Hỏi: Quy trình thủ tục tạm nhập, tái xuất như thế nào?
Bước 1: Xác định hình thức tạm nhập, tái xuất
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ các chứng từ phù hợp
- Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu
- Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp
- Giấy phép tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp đối với mặt hàng theo quy định cấp phép
- Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice) được cung cấp từ công ty người gửi
- Bảng kê (Packing List)
- Tờ khai tạm nhập theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 38
- Vận đơn
Bước 3: Làm thủ tục hải quan, thông quan tạm nhập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Bước 4: Theo dõi và đảm bảo thời gian tạm nhập
Bước 5: Tái xuất
Sau khi xác định là đúng hàng hóa đã được nhập về (trùng serial number, model hay thông số trên tờ khai tạm nhập) thì thương nhân liên hệ book lịch tàu, lịch bay để làm thủ tục tái xuất (tờ khai tái xuất theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 38).
Hỏi: Kinh doanh tạm nhập, tái xuất có đóng thuế không?
Đáp: Theo quy định tại điểm đ khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì: “Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập, tái xuất” thuộc đối tượng miễn thuế. Theo đó, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất để được thuộc đối tượng miễn thuế trong thời hạn nhất định phải đáp ứng điều kiện có đặt cọc hoặc bảo lãnh thuế khi làm thủ tục hải quan, đảm bảo tái xuất trong thời hạn tạm nhập.
Hạn chế với doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất
- Không được ủy thác hoặc nhận ủy thác tạm nhập tái xuất.đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện.
- Không chuyển loại hình kinh doanh từ tạm nhập tái xuất sang hình thức nhập khẩu.nhằm mục đích tiêu thụ nội địa những hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện.
Một số quy định khác
- Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.
- Hàng hóa chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra khỏi Việt Nam.
- Cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu: Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, nếu nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền thì việc nhập khẩu hoặc tái xuất đó chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
- Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định.
- Hợp đồng: Được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu ký với thương nhân nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.
- Thanh toán: Phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kinh doanh tạm nhập, tái xuất!
Xem thêm tại:
Thủ Tục Làm Hàng Tạm Nhập Tái Xuất Tham Gia Triển Lãm
Thủ tục tái nhập hàng tạm xuất qua nhiều nước
C/O là gì? Tầm quan trọng của C/O đối với hàng hóa xuất nhập khẩu