Kim chỉ nam cho dân làm Xuất nhập khẩu và Logistics, mọi nghiệp vụ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thực tế và logistics điều liên quan đến các điều kiện thương mại này. Việc nắm chắc kiến thức Incoterm 2010 gần như là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi nhân viên làm trong ngành xuất nhập khẩu. Vậy nhưng một số khóa học xuất nhập khẩu thực tế ở một vài trung tâm lại chưa hiểu được tầm quan trọng của nó. Dẫn đến việc giảng dạy còn thiếu sót hoặc chưa kỹ, đặc biệt là không mang tính thực tế nghề nghiệp. Bài viết này không mang tính học thuật hay trích dẫn mà chỉ dựa trên kinh nghiệm làm việc của một người đã có trên 10 năm lăn lộn với nghề.
- Điều kiện EX-WORK (giao hàng tại xưởng): nghĩa là người bán (nhà xuất khẩu) sẽ giao hàng tại xưởng của mình hoặc của nhà xuất khẩu, người mua (nhà nhập khẩu) sẽ chỉ định đơn vị vận chuyển của mình đến lấy hàng tại xưởng. Như vậy, người bán (nhà xuất khẩu) chỉ giao hàng và giao chứng từ cho đơn vị vận chuyển được người mua (nhà nhập khẩu) chỉ định, và toàn bộ các trách nhiệm còn lại từ xường người bán đến kho người mua đều thuộc người mua. Nghe rất rõ ràng và đơn giản nhưng có một lưu ý quan trọng đó là ‘’bên nào sẽ xếp hàng lên xe tại xưởng’’.
- Xin phép khẳng định luôn rằng đó là trách nhiệm của người mua, thế nhưng do văn hóa làm việc hoặc đặc thù mà ở Việt Nam việc bốc hàng lên phương tiện vận chuyển thường do người bán đảm nhiệm. Phần vì tại xưởng thường có đầy đủ nhân lực hay phương tiện kỹ thuật như xe nâng, máy cẩu, và tư duy ‘’tiện’’ thì làm giúp nhà nhập khẩu. Do vậy, khi mua – bán theo điều kiện giao hàng EX-WORK cần nói rõ trách nhiệm này và dùng thuật ngữ FOT (free on truck) để mô tả.
- Điều kiện FCA (Free Carrier – giao hàng cho người chuyên chở): một điều kiện không rõ rang nếu trong quá trình thương lượng không chỉ rõ các đặc trưng của nó, bởi thực tế FCA ở đâu là điều cần chỉ rõ. Cụ thể, điều kiện này cần được xác định như sau
+ FCA tại kho: nghĩa là người mua (nhà nhập khẩu) phải đưa phương tiện vào kho của người bán (nhà xuất khẩu) để lấy hàng, và cần xác định rõ bên nào bốc hàng lên phương tiện vận chuyển, với điều kiện này thì không khác EX-WORK nhưng trách nhiệm của người bán (nhà xuất khẩu) là phải làm thủ tục hải quan xuất khẩu và trách nhiệm của người mua là chịu chi phí đưa hàng về đến kho của mình.
+ FCA tại kho đơn vị vận chuyển: nghĩa là người bán (nhà XK) phải giao hàng cho người mua (nhà NK) tại kho của đơn vị vận chuyển được người mua chỉ định. Và đương nhiên, vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ về thủ tục hải quan xuất khẩu. Người mua sẽ chịu trách nhiệm chi phí cho phần còn lại để đưa hàng về kho của mình.
+ FCA tại cảng: nghĩa là người bán có trách nhiệm giao hàng đến cảng xuất (cảng biển hoặc sân bay quốc tế). Như vậy, người bán chịu phí vận chuyển ra cảng và phí thủ tục hải quan xuất khẩu, người mua chịu chi phí vận chuyển từ cảng về kho của mình
***Lưu ý quan trọng: điều kiện này ở Việt Nam có chút khác biệt do hạ tầng công nghệ hoặc văn hóa làm việc, nó tác động đến trách nhiệm về mặt chi phí và cụ thể như sau
Thực tế, với nhiều nước trên thế giới thì nghĩa vụ của thủ tục hải quan là phải hoàn thành trước khi giao hàng cho người chuyên chở. Nhưng ở Việt Nam có chút đặc thù do cách quản lý theo chi cục vùng địa lý mà cụ thể là hải quan tại các khu công nghiệp hoặc các tỉnh. Điều đó có nghĩa là khi người bán giao hàng cho nhà chuyên chở thì nhà chuyên chở vẫn phải thay mặt người mua làm thủ tục hải quan giám sát tại cửa khẩu quốc tế và chịu chi phí bốc xếp tại cửa khẩu (không chỉ các chi phí local charge). Do vậy, khi mua – bán theo điều kiện này cần nói rõ trách nhiệm để tránh phát sinh sau này.
Sơ đồ các điều kiện thương mại quốc tế Incoterms 2010
- Điều kiện FAS (free alongside ship – giao dọc mạn tàu): đây là điều kiện giao hàng không thường xuyên sử dụng và thường chỉ áp dụng trong vận chuyển đường biển. Trách nhiệm của người bán là giao hàng ra cầu cảng (dọc mạn tàu) sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu. Trách nhiệm của người mua là bốc hàng lên tàu và chịu cước vận chuyển quốc tế cũng như các chi phí khác để đưa hàng về kho của mình. Áp dụng chủ yếu trong vận chuyển hàng dời (rất hiếm khi áp dụng trong vận chuyển bẳng container)
- Điều kiện FOB (free on board – giao hàng lên tàu): một số sách nói rằng chỉ áp dụng điều kiện này khi vận chuyển đường biển nhưng thực tế nghề nghiệp lại không như vậy. Có thể do tập quán hoặc hiểu theo sách dịch từ nước ngoài. Nhưng rõ rang là ‘’điều kiện giao hàng’’ độc lập với ‘’phương thức vận chuyển’’. Hơn nữa, chúng ta có thể thấy rõ là không có điều kiện khác thay thế FOB khi vận chuyển bằng đường hàng không. Với điều kiện này thì trách nhiệm của người bán là làm thủ tục hải quan xuất khẩu và vận chuyển ra cảng (sân bay) cũng như chịu các chi phí cho đến khi hàng được xếp lên tàu an toàn. Vậy nghĩa là trách nhiệm chi phí của ngườ mua sẽ là chịu cước vận chuyển quốc tế và các chi phí đầu nhận hàng cũng như tiền thuế và vận chuyển về kho
- Điều kiện CFR (Cost and freight – tiền hàng và cước phí): điều kiện được hiểu theo đúng nghĩa từ tiếng anh dịch sang, nghĩa là trách nhiệm của người bán là giao hàng sang đến cảng của người mua (tức là chịu chi phí vận chuyển quốc tế) và người mua chịu các chi phí dỡ hàng tại cảng nhập và các chi phí khác để đưa hàng về kho hoặc người tiêu dùng cuối cùng
- Điều kiện CIF (Cost Insurance and freight – tiền hàng bảo hiểm và cước phí): tương tự điều kiện CFR nhưng người bán khi bán theo điều kiện này thì phải có trách nhiệm mua bảo hiểm hàng hóa, lưu ý là bảo hiểm hàng hóa độc lập với bảo hiểm vận chuyển. Nghĩa là người bán chịu chi phí cho đến khi hàng sang đến cảng nhập khẩu cùng chi phí bảo hiểm. Người mua chịu chi phí dỡ hàng tại cảng nhập và các chi phí để đưa hàng về kho.
- Điều kiện CPT (Carriage paid to – cước phí trả tới): điều quan trọng nhất là ‘’trả tới đâu’’, điều kiện này khá giống với CFR nhưng có chút khác biệt nếu nói rõ địa điểm trả tới. Nghĩa là nếu chỉ nói CPT Terminal hoặc Airport thì trách nhiệm chi phí của người bán chỉ cho đến khi hàng đến cảng và người mua chịu các chi phí còn lại để đưa hàng về kho
- Điều kiện CIP (Carriage Insurance Paid to – cước phí và bảo hiểm trả tới): gần giống với CIF nhưng cũng như CPT, cần nói rõ ‘’trả tới đâu’’ bởi có một số trường hợp là trả sâu vào trong nội địa được chỉ định. Khi đó trách nhiệm lien quan đến chi phí sẽ có sự thay đổi. Vậy nghĩa là nếu chỉ nói CIP Terminal hoặc Airport thì trách nhiệm chi phí của người bán đến khi hàng đến cảng nhập kèm phí mua bảo hiểm. Phần còn lại của chi phí là của người mua
- Điều kiện DAT (Delivered at Terminal – giao hàng tại bến): thường sử dụng rộng rãi trong vận chuyển đường hàng không và tương tự điều kiện CFR (áp dụng vận chuyển đường biển nhiều hơn). Vậy nghĩa là trách nhiệm chi phí của người bán cho đến khi hàng đến cảng nhập khẩu, chi phí dỡ hàng tại cảng nhập và các chi phí khác để đưa hàng về kho là của người mua
- Điều kiện DAP (Delivered at Place – giao hàng tại nơi đến): đây là điều kiện khác và mới của Incoterm 2010 mà trước đây không có trong Incoterm 2000. Nó nhằm xác định rõ địa điểm được người mua chỉ định, và như vậy nghĩa là trách nhiệm của người bán là giao hàng đến địa điểm chỉ định của người mua. Cụ thể người bán chịu chi phí cho đến khi người mua nhận được hàng nhưng không bao gồm chi phí hải quan nhập khẩu và các chi phí lien quan đến thuê đầu nhập khẩu.
- Điều kiện DDP (Delivered Duty Paid – giao hàng đã trả thuế): nghĩa vụ rất rõ rang, đó là người bán chịu mọi chi phí cho đến khi hàng về đến kho của người mua bao gồm cá tiền thuế đầu nhập khẩu. Tuy nhiên có điểm cần lưu ý lad người mua phải có trách nhiệm cung cấp bộ chứng từ nhập khẩu đầy đủ cho đại lý của người bán tại đầu nhập khẩu và người mua có trách nhiệm dỡ hàng khỏi phương tiện vận chuyển của người bán.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về việc vận dụng incoterms trong xuất nhập khẩu. Nếu bạn còn thắc mắc về nghiệp vụ xuất nhập khẩu thực tế, các điều kiện giao hàng quốc tế incoterms và cần tư vấn về địa chỉ học xuất nhập khẩu thực tế,… hãy để lại bình luận bên dưới, chúng tôi rất sẵn lòng giải đáp.