Nội Dung Chính
Giấy phép nhập khẩu tự động là giấy tờ do Bộ Công Thương cấp cho thương nhân dưới hình thức xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu cho mỗi lô hàng.
Mục đích của giấy tờ này là để làm gì?
Về lý thuyết là để thống kê chính xác số lượng, chủng loại, trị giá hàng hoá nhập khẩu phục vụ công tác điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Nhà nước. Nhưng rõ ràng, để làm việc này, thì chỉ cần số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan cho từng loại hàng (theo mã HS), là có ngay con số chính xác, tin cậy. Liệu có cần phải thủ tục rườm rà, mệt mỏi cho doanh nghiệp như vậy?
Vì thế, tôi thiên về ý kiến cho rằng mục đích thực sự của loại giấy phép này là một hình thức của hàng rào phi thuế quan, nhằm gián tiếp kiểm soát những mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu. Để làm gì? Để bảo hộ sản xuất trong nước chẳng hạn.
Tại sao gọi là nhập khẩu tự động?
“Tự động” nghĩa là cứ nộp đơn đầy đủ, chuẩn chỉnh là được duyệt, không cần điều kiện gì khác.
Cần phân biệt với loại giấy phép nhập khẩu thông thường (không tự động): doanh nghiệp xin giấy phép phải đáp ứng đủ điều kiện (ngoài nộp đơn chuẩn chỉnh)
Chẳng hạn:
+ Nhập khẩu thiết bị y tế phải có đăng ký kinh doanh có ngành nghề này, có nhân sự đáp ứng đủ yêu cầu về đào tạo chuyên ngành…
Mới nghe qua cách thức “tự động” như trên, có vẻ cũng thuận lợi, có gì đâu mà phiền hà, tốn kém.
Thực tế thì lại khác nhiều. Dù chỉ cần nộp đơn & hồ sơ là được duyệt. Nhưng vấn đề nằm ở hai cụm từ “đầy đủ” và “hợp lệ”, và thời gian chờ đợi nếu không đáp ứng được hai tiêu chí đơn giản đó.
Mặt hàng nào phải xin giấy phép nhập khẩu tự động?
Trước đây, để tìm hiểu xem mặt hàng thuộc diện phải xin giấy phép nhập khẩu tự động, bạn đọc Phụ lục 1 Thông tư số 24/2010/TT-BCT, có được sửa đổi trong Thông tư 32/2011/TT- BCT.
Sau đó, lại có thông tư số 27/2012/TT-BCT quy định tạm dừng áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng theo quy định tại Thông tư số 24 nêu trên.
Nghĩa là (đến tháng 7/2014), chủ hàng không cần xin Giấy phép NK tự động theo Thông tư 24 nữa, cho đến khi có văn bản hướng dẫn khác.
Từ ngày 1/12/2014, thông tư 35/2014/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ giấy phép NK tự động với một số mặt hàng phân bón như Urê, phân khoáng hoặc phân hóa học có chưa 3 nguyên tố cấu thành là nitro, phosphor và kali.
Cần lưu ý, nếu hàng nhập khẩu về mà không xin giấy phép, là sẽ bị xử phạt theo Nghị định 127/2013/NĐ-CP và thông tư 190/2013/TT-BTC.
Hồ sơ gồm những gì?
Trong trường hơp phải xin Giấy phép nhập khẩu tự động, theo Điều 3 Thông tư 24, hồ sơ đăng ký gồm:
- Đơn đăng ký nhập khẩu tự động: 02 bản (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép kinh doanh: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
- Hợp đồng nhập khẩu hoặc các văn bản có giá trị tương đương hợp đồng: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
- Hoá đơn thương mại: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
- L/C hoặc chứng từ thanh toán: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân); hoặc xác nhận thanh toán qua ngân hàng (có kèm Giấy đề nghị xác nhận thanh toán qua ngân hàng) theo mẫu quy định tạiPhụ lục số 03 và Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này: 01 bản chính.
- Đơn vận tải hoặc chứng từ vận tải của lô hàng: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
Nộp hồ sơ ở đâu?
Tại một trong 2 địa chỉ sau:
- Trụ sở chính của Bộ Công Thương: số 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội
- Trụ sở Cơ quan đại diện của Bộ Công Thương: số 45 Trần Cao Vân, phường 6, quận III, thành phố Hồ Chí Minh.
Hình thức nộp:
+ Theo đường bưu điện
+ Nộp trực tiếp
Hình thức trả kết quả: chỉ theo đường bưu điện
Và những bất cập trong việc xin giấy phép nhập khẩu tự động
Qua tìm hiểu, tôi thấy có một số bất cập mà người đi làm thực tế kêu ca nhiều về chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động cho hàng hóa nhập khẩu
- Nhận hồ sơ qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại bộ công thương, nhưng giấy phép hoặc thông báo (nếu hồ sơ sai) chỉ gửi qua bưu điện. Ai cũng biết, nếu chuyển phát qua bưu điện hiện nay thì tốc độ nhanh đến mức nào! Tại sao không dùng chuyển phát nhanh, và phí phát sinh do doanh nghiệp trả nhỉ?
- Hồ sơ sau khi nhận, sẽ được xử lý trong 7 ngày làm việc (cộng 2 cuối tuần là 11 ngày). Nếu có sai sót, sẽ trả lại, rồi nộp lại và tiếp tục đợi thêm 7 ngày.
- Các chứng từ xin giấy phép này, trừ đơn, hầu như đều có trong bộ tờ khai hải quan. Vậy, có cần phải lặp lại như vậy không?
- Giấy phép giá trị trong vòng 30 ngày, quá hạn sẽ phải xin lại. Rất khó cho doanh nghiệp: sớm thì chưa đủ chứng từ, muộn thì không kịp hoặc quá hạn.
Dù có nhiều bất cập, nhưng việc cần thì vẫn phải làm. Thay vì phàn nàn, thì sao ta không nghĩ cách để làm cho hiệu quả hơn nhỉ?
Biện pháp rút ngắn thời gian xin giấy phép
Dưới đây là một số kinh nghiệm khá hữu ích mà bạn legurus chia sẻ trên diễn đàn Vietship để xin giấy phép nhập khẩu tự động được nhanh chóng thuận tiện; dựa theo nguyên tắc: cẩn thận và linh hoạt.
- Trước tiên hồ sơ xin phải thật chuẩn để tránh làm lại.
- Tìm một bưu điện nào đó gần Bộ công thương nhất để gửi hồ sơ, tránh được thời gian đáng để chờ hồ sơ bò tới BCT theo đường cổ điển.
- Sau khi tính hồ sơ đã tới BCT thì có thể gọi điện đến phòng duyệt hồ sơ xem ai tiếp nhận. Sau đó có thể xin gặp người đó trực tiếp để có thể trao đổi và mất một số chi phí ngoài cho người ta làm giúp mình nhanh hơn. (Cái gửi theo đường bưu điện là để tránh tiêu cực nên phải dùng cách này, còn tình trạng chi phí ngoài thì ở đâu cũng thế, ai đi làm hải quan đều biết). Nếu khéo có thể nhờ người ta khi có giấy phép thông báo ngay cho mình và gửi qua đường express thì quá tuyệt.