Nội Dung Chính
Bất kì người bán hàng online nào cũng phải đau đầu vì vấn đề ship hàng. Bởi ship chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thuyết phục khách mua hàng và uy tín của shop. Đây là bước cuối cùng trong bán hàng nhưng luôn tốn khá nhiều công sức của bạn. Vậy có cách nào để người bán hàng online không phải bận tâm đến ship không? Câu trả lời là có.
1. Dropship
Đây là một phương pháp khá mới. Dùng dropship bạn sẽ không phải quan tâm đến sản phẩm và quy trình đóng gói, xử lý sản phẩm và càng không phải quan tâm đến việc vận chuyển. Bạn chỉ cần bán hàng trên website và bên thứ 3 cung cấp sản phẩm sẽ ship hàng trực tiếp đến tay khách hàng. Nghĩa là bạn không cần lưu trữ hàng hoá trong kho và cũng không cần bận tâm đến vận chuyển. Tuy nhiên, nó có cả ưu điểm và nhược điểm mà bạn cần xem xét kĩ.
Ưu điểm của Dropship
– Không cần nhiều vốn: Dropship là cách bán hàng mà bạn được xem như người trung gian, chỉ bán hàng mà không cần lưu hàng trong kho. Vì vậy, bạn không cần bỏ vốn ban đầu để nhập hàng về.
– Hoạt động đơn giản: Dropship giúp bạn tối giản hầu hết các khâu phức tạp. Bạn không phải quản lý và kiểm kê kho hàng, cũng không cần đóng gói và vận chuyển hàng hoá, đặc biệt là một trong những điều khiến người bán hàng nào cũng ngán ngẩm là bóc dỡ và sắp xếp kho mỗi lần nhập hàng.
– Địa điểm linh hoạt: Cách thức này tương tự như bán hàng online, giúp bạn có thể quản lý tất cả các hoạt động online. Chỉ với internet, bạn hoàn toàn có thể bán hàng và xử lý các vấn đề ở bất kì đâu một cách nhanh chóng và tiện lợi.
– Dễ mở rộng quy mô: Nếu những phương thức bán hàng thường thấy khiến bạn phải đầu tư nhiều và mất thời gian phát triển khá lâu để có thể mở rộng quy mô thì với dropship bạn có thể dễ dàng mở rộng hơn nhiều.
– Giảm thiểu rủi ro: Vì không phải quản lý kho hàng nên bạn sẽ không phải bận tâm đến vấn đề tồn kho. Bên cạnh đó, những rủi ro liên quan đến ship hàng như khách trả hàng, hàng hoá bị thất lạc, hư hỏng, bạn cũng không phải lo lắng.
Nhược điểm của Dropship
– Lợi nhuận thấp: Lãi mà Dropship mang lại thường rất thấp, chỉ chiếm 10-30% giá trị đơn hàng.
– Dịch vụ chăm sóc khách hàng không tốt: Chính vì bạn không phải là người quản lý và kiểm kê kho hàng nên việc theo dõi kho để xác định số tồn nhằm phục vụ việc bán hàng sẽ gặp khó khăn. Bạn không chỉ bán hàng từ một kho mà là từ nhiều kho khác nhau, do đó khâu chăm sóc khách hàng sẽ gặp vấn đề nếu bạn không thể nắm rõ.
– Quảng cáo bị giới hạn: Do lợi nhuận thấp nên bạn không thể đầu tư vào quảng cáo nhiều.
– Áp lực về giá: Bán hàng từ nhiều nhà cung cấp thì bạn sẽ không thể tránh khỏi trường hợp cùng một sản phẩm nhưng có nhiều mức giá khác nhau. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với những người bán khác trên thị trường sẽ khiến bạn phải đau đầu trong việc định giá sản phẩm.
– Phụ thuộc vào SEO và các công cụ quảng cáo miễn phí khác: Điều này cũng do ngân sách thấp và điều kiện đầu tư không nhiều.
Nói tóm lại, Dropship sẽ hấp dẫn với những ai có ít vốn và có ý định kinh doanh lâu dài, bởi nó sẽ tốn của bạn nhiều năm để có thể gây dựng được một nguồn doanh thu kha khá.
2. Sử dụng 3PL
3PL (3rd party logistics) được hiểu là bên thứ 3 cung cấp dịch vụ logistics. Các hãng vận chuyển lớn của Việt Nam đều được coi là 3PL, như VNPost, ViettelPost, … Một công ty 3PL cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, từ vận chuyển, tồn trữ hàng hoá đến xử lý thông tin, … Ở Việt Nam cách này được dùng phổ biến và đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với Dropship. Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này, bạn cần thực hiện các khâu như một cửa hàng bình thường, nghĩa là bao gồm có kho hàng và nhập hàng hoá đầy đủ. Bên cạnh đó, bạn nên cân nhắc lựa chọn hãng vận chuyển phù hợp và có chất lượng.
Ship hàng luôn là mối bận tâm của bán hàng online. Nếu cửa hàng của bạn chưa có bộ phận ship hàng riêng thì bạn nên cân nhắc một trong 2 cách trên để năng suất bán hàng được tối ưu.