Trung bình mỗi ngày, Indochinapost có hơn 2 chuyến vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội đi Hòa Bình bằng nhiều loại xe có tải trọng từ 1,25 tấn trở lên. Mỗi chuyến đi đều có thuận lợi và khó khăn riêng, đòi hỏi người lái xe phải trang bị cho mình những kỹ năng để có thể xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.
Trong hệ thống xe tải với đủ loại tải trọng từ 1,25 tấn đến 27 tấn thì các xe tải loại 1,25 tấn – 1,4 tấn được khách hàng lựa chọn sử dụng nhiều hơn cho tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội đi Hòa Bình, bởi trọng tải nhỏ, dễ dàng di chuyển tới tận các thôn, bản, làng, xã trong tỉnh.
Trước mỗi chuyến đi, người lái xe bao giờ cũng phải kiểm tra tổng thể xe và khi xe đủ điều kiện tốt mới cho xe vận chuyện để đảm bảo an toàn cho người và xe khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa luôn có những sự cố bất ngờ xảy ra mà người lái xe không thể nào phán đoán hoặc đoán định được trước. Do vậy, bản thân người lái xe luôn phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tốt để có thể tự bản thân xử lý những sự cố. Đó có thể là những sự cố về hỏng hóc, trục trặc của xe. Đối với những hỏng hóc nhỏ, người lái xe hoàn toàn có thể chủ động sửa chữa để đảm bảo cho chuyến vận chuyển kịp tiến độ và an toàn.
Bằng kinh nghiệm thực tế, anh Đỗ Quốc Trưởng – nhân viên lái xe của Indochinapost đã đưa ra một vài lời khuyên cũng như kỹ năng cơ bản giúp anh, em lái xe, đặc biệt là những người mới lái xe có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống cho thật tốt.
Điều đầu tiên phải kể đến khi sự cố xảy ra đó là người lái xe luôn phải giữ được bình tĩnh, cùng với những thao tác cẩn trọng, quan sát đường đi, khi an toàn thì từ từ cho xe vào phía lề đường, dừng đỗ ở vị trí an toàn, đúng quy định. Nên chọn chỗ dừng đỗ bằng phẳng, thuận tiện để tiến hành thao tác tháo lắp, thay thế bánh xe chính bằng bánh xe phụ đã được trang bị từ trước.
Một điểm cần lưu ý đó là khi cho xe dừng lại, lái xe nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm (nút màu đỏ có in hình tam giác lớn trên táp lô) để cảnh báo cho các xe khác biết được xe bạn đang gặp sự cố. Biết đâu có thể nhận được sự giúp đỡ từ chính đồng nghiệp trong công ty.
Với những đồ nghề được trang bị sẵn trên xe như kích, cờ lê và lốp dự phòng, lái xe sẽ tiến hành thay thế lốp dự phòng một cách dễ dàng. Đầu tiên, cần nới lỏng các ốc trên bánh xe và thao tác này nên làm trước khi kích lốp, tránh cho khi tháo ốc bị trượt theo bánh xe.
Sau đó, sử dụng kích để nâng bánh xe cách mặt đất một khoảng cách nhỏ chừng vài mmm đủ để bánh xe không phải chịu tải lớn của xe đồng thời cũng không quay tự do (thông thường trên kích cũng có dán một sơ đồ chỉ dẫn nhỏ hướng dẫn lái xe thao tác). Tiếp tục, tháo hết các bu-lông, ốc vít ở bánh xe. Cũng theo kinh nghiệm của anh Trưởng, cách tháo chuẩn nhất là: “Tháo từng ốc một, và ốc nối tiếp sẽ ở vị trí đối diện với ốc trước, dân trong nghề gọi đó là kiểu tháo theo hình ngôi sao”.
Khi các bu-lông, ốc được tháo hết, tiếp tục dùng kích nâng bánh xe lên cao cách mặt đường vài cm, từ từ nhấc lốp hỏng ra khỏi xe, và lắp chiếc lốp mới vào đúng vị trí, siết chặt bu-lông. Khi cảm thấy siết ốc đã nặng tay, từ từ hạ kích, cho bánh xe tỳ xuống mặt đường rồi dùng lực siết chặt bu-lông. Anh Trưởng cũng cho biết: Khi bạn nghe thấy tiếng kêu “tạch tạch” trên thân bu-lông có nghĩa là bu-lông, ốc đã được siết chặt.
Thao tác cuối cùng đó là kiểm tra bánh xe, bằng cách nâng kích và xoay thử bánh xe vài vòng để kiểm tra thao tác lắp có gì sai sót không. Nếu bánh xe quay êm và bon có nghĩa là công việc đã hoàn tất. Lái xe nên nổ máy cho xe chạy thử, đồng thời luôn chú ý xem xe có phát ra tiếng ồn hay có hiện tượng rung lắc khác thường hay không. Nếu cảm thấy thật sự an toàn, lái xe mới được cho xe chạy tiếp. Tuy nhiên, sau đó, vẫn cần phải đưa xe đến các điểm sửa chữa để kiểm tra lại xe cho đảm bảo an toàn.
Theo kinh nghiệm lâu năm của nhiều tài xế, sự cố thủng xăm, lốp là bình thường. Đặc biệt là đối với các chuyến vận chuyển với quãng đường dài vài trăm cây số. Sự cố này không khó khắc phục, chỉ cần người lái xe chịu khó học hỏi, tự thao tác một vài lần là hoàn toàn có thể xử lý được ngay mà không cần nhờ đến trợ giúp từ phía cứu hộ. Tất cả nhân viên lái xe của Indochinapost khi mới bắt đầu lái, đều chủ động trang bị cho mình kỹ năng xử lý cần thiết. Trên mỗi xe đều được trang bị các dụng cụ như kích lốp, cở lê và một lốp dự phòng, do vậy, người lái xe hoàn toàn có thể chủ động khắc phục khi có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người, phương tiện và hàng hóa khi tham gia giao thông.