Trong tất cả các địa điểm vận chuyển hàng hóa thì Cà Mau là điểm đến xa nhất, tính từ trung tâm TP.Hà Nội tới Thị xã Cà Mau là gần 2100 km.
Cà Mau là tỉnh cực nam của Việt Nam, thuộc khu vực Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 370 km, cách thành phố Cần Thơ 180 km về phía nam. Cà Mau nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á nên rất thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực.
Nhân chuyến vận chuyển hàng hóa từ Cà Mau về Hà Nội, anh Nguyễn Khắc Lực lại có dịp ghé qua văn phòng công ty ngoài Bắc để thăm hỏi và gặp mặt anh em lái xe. Đây là chuyến vận chuyển đường dài nhất mà anh Lực lần đầu vận chuyển. Thường thì anh Lực hay vận chuyển hàng từ Cà Mau đến TP.HCM và ngược lại. Thỉnh thoảng anh mới đi một chuyến đường dài từ TP.HCM đi Hà Nội. Đây là lần đầu tiên anh vận chuyển một mạch từ Cà Mau ra Hà Nội.
Anh Lực chia sẻ, để chạy xe đường dài an toàn, mình cũng phải thực hiện theo nguyên tắc cơ bản là không tăng tốc hoặc phanh liên tục, luôn sử dụng tín hiệu khi chuyển hướng và ổn định tốc độ. Điều chỉnh ghế gương cho hợp lý, và đặc biệt là không sử dụng rượu bia trước và trong khi lái xe. Đồng thời, luôn phải duy trì khoảng cách an toàn và lái xe thật điềm tĩnh.
Trên đường đi, anh Lực gặp phải trường hợp một xe mất phanh. Chiếc xe đó cũng chạy đường dài từ TP.HCM đi Hà Nội, cộng thêm đi qua một số đoạn đường đồi núi nên xe phải sử dụng phanh rất nhiều. Anh Lực cho biết: “Hệ thống phanh của hầu các xe đều được dẫn động bằng dầu và trợ lực bằng khí chân không, nên khi sử dụng nhiều dễ sinh nhiệt làm trơ má phanh, phanh không ăn, làm lộn cupen ở xilanh phanh và mỗi lần đạp phanh làm dầu phanh thất thoát ra ngoài, dẫn đến mất phanh”. Việc bảo dưỡng, sửa chữa, chăm sóc xe theo định kỳ sẽ giúp xe tránh được những sự cố mất phanh như vậy. Tuy nhiên, đó chưa thể đảm bảo cho xe chạy khỏe mạnh 100%. Đôi khi, các sự cố bất ngờ xảy ra là điều không thể tránh khỏi trên đường đi. Điều này đồng nghĩa với việc đòi hỏi người lái xe phải có kỹ năng xử lý những tình huống nguy hiểm này.
Anh Lực chia sẻ một số kinh nghiệm của mình để xử lý tình huống mất phanh với các anh em lái xe như sau: Khi mất phanh, cần bình tĩnh kéo phanh tay, tiếp đến là cố gắng gạt cần số trở về vị trí số 1 để xe giảm tốc xuống mức chậm nhất. Lưu ý, không gạt về số 0 (N) quá lâu, bởi khi xe đang xuống dốc mà đạp côn để về số 0 thì xe sẽ lao đi nhanh hơn và rất khó để vào lại được số do tốc độ của máy và tốc độ vòng quay của bánh xe không còn đồng tốc. Khi mất phanh, lái xe nên đạp nhồi chân phanh liên tục nhiều lần để có thể phục hồi tạm thời áp suất thủy lực trong đường ống bị rò rỉ… và cho xe dừng hẳn bằng cách dựa vào các thanh hộ lan, lan can thép, bờ tường, lề đường, vách núi…
Để giảm thiểu các tác động dẫn đến mất phanh, lái xe nên tập thói quen đi bằng số thấp (số 1, 2 hoặc 3) mỗi khi đổ đèo, dốc cao, hoặc địa hình hiểm trở để vòng tua máy thấp sẽ làm hãm độ trôi của xe, gánh bớt gánh nặng của phanh. Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng định kỳ trước và sau khi chạy đường dài là rất quan trọng để hạn chế tối đa các sự cố không mong muốn./.