Nội Dung Chính
Xuất nhập khẩu tại chỗ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí bởi việc xuất nhập khẩu diễn ra ngay trên lãnh thổ Việt Nam và không phải làm thủ tục xuất nhập khẩu xuyên biên giới từ nước này sang nước khác. Cùng indochinapost.vn tìm hiểu quy trình mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ trong bài viết dưới đây nhé!
Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì?
Nhìn chung, xuất nhập khẩu tại chỗ cũng là một hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đơn thuần. Nhưng khác biệt ở chỗ hoạt động này diễn ra ngay trên lãnh thổ Việt Nam chứ không phải xuất đi quốc gia khác.
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam ký hợp đồng bán hàng cho doanh nhân nước ngoài. Nhưng thay vì giao hàng cho họ tại nước ngoài, thì doanh nghiệp Việt Nam được các thương nhân nước ngoài này chỉ định giao hàng trực tiếp cho các đối tác của họ tại Việt Nam.
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có thể thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ.
Các mặt hàng hóa được mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ
Dưới đây là một số mặt hàng có thể thực hiện thủ tục xuất nhập hàng tại chỗ, quy định theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Điều 86:
+ Các loại thiết bị, máy móc thuê hoặc mượn, sản phẩm gia công, các loại vật tư nguyên liệu dư thừa, phế phẩm hay phế liệu thuộc hợp đồng gia công. (Quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP)
+ Hàng hóa thực hiện giao dịch mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất.
+ Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Hồ sơ Hải quan mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ
Tương tự như thủ tục nhập khẩu hoặc xuất khẩu thông thường, thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ cũng yêu cầu khá nhiều giấy tờ, chứng từ. Do đó để việc làm thủ tục Hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ diễn ra suôn sẻ tiết kiệm, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:
Hồ sơ Hải quan xuất khẩu tại chỗ:
Bộ hồ sơ giống với thủ tục xuất khẩu bình thường, quy định tại Điều 16 thông tư số 38/2015/TT-BTC (có sửa đổi bổ sung tại thông tư 39/2018/TT-BTC) bao gồm:
+ Tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ (cũng là tờ khai Hải quan điện tử) theo các tiêu chí thông tin quy định tại mẫu số 02 phụ lục II ban hành kèm theo thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Nếu hàng hóa nằm trong diện phải khai tờ khai Hải quan giấy (Quy định tại Điều 25 nghị định 59/2015/NĐ-CP, có sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP), thì khi mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ chủ hàng phải khai và nộp 02 bản chính theo mẫu HQ/2015/XK phụ lục IV ban hành kèm thông tư số 38/2015/TT-BTC)
+ Hóa đơn thương mại hoặc các loại chứng từ tương đương: (01 bản chụp)
+ Giấy phép xuất khẩu hoặc giấy tờ tương đương cho phép xuất khẩu.
- Nếu chỉ xuất khẩu 1 lần : nộp 01 bản chính
- Nếu xuất khẩu từ 2 lần trở lên : 01 bản chính khi xuất khẩu lần đầu
+ Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành: 01 bản chính – nếu có
+ Hồ sơ chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa: 01 bản chụp đối với lần đầu làm thủ tục xuất khẩu
+ Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp – nếu có
+ Các giấy tờ khác theo quy định đối hàng xuất khẩu (trừ vận tải đơn – B/L)
Hồ sơ Hải quan nhập khẩu tại chỗ gồm
+ Tờ khai Hải quan điện tử theo các tiêu chí thông tư quy định tại mẫu 01 phụ lục II ban hành kèm thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Nếu thực hiện tờ khai giấy thì dựa vào mẫu HQ/2015/NK: 2 bản chính
+ Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ tương đương: 01 bản chụp
+ Giấy phép nhập khẩu hoặc văn bản tương đương cho phép nhập khẩu.
- Nếu nhập khẩu chỉ 1 lần: 01 bản chính
- Nếu nhập khẩu từ 2 lần trở lên: 01 bản chính khi xuất khẩu lần đầu
+ Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành: 01 bản chính) – nếu có
+ Khi mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ Chứng từ thể hiện tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: 01 bản chụp khi làm thủ tục nhập lô hàng đầu tiên
+ Tờ khai trị giá: Thực hiện khai theo mẫu điện tử. Nếu người khai Hải quan khai trên tờ khai giấy thì nộp 2 tờ khai trị giá (Bản chính) tới cơ quan Hải quan.
+ Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
+ Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp – Nếu có
+ Các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ vận tải đơn – B/L)
Quy trình thủ tục Hải quan khi mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ
Bước 1: Doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ khai báo Hải quan
Doanh nghiệp tiến hành thủ tục xuất khẩu tại chỗ bằng cách khai thông tin trên tờ khai Hải quan xuất khẩu và khai vận chuyển kết hợp. Theo đó, tại ô “điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” sẽ điền vào mã địa điểm của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ. Còn ô “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” phải điền vào “#XKTC”. Nếu tờ khai Hải quan giấy thì khai vào ô “Ghi chép khác”.
Bước 2: Doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ tiến hành thủ tục xuất khẩu hàng hóa bình thường.
Bước 3: Sau khi hoàn tất, doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ sẽ thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ để họ thực hiện thủ tục nhập khẩu.
Bước 4: Doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ giao hàng hóa cho người nhập khẩu tại chỗ. Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm nhận và bảo quản hàng hóa cho đến khi Hải quan làm thủ tục mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ quyết định hình thức, mức độ kiểm tra Hải quan.
Bước 5: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ lúc hàng hóa xuất khẩu được thông quan, thì doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện thủ tục khai báo Hải quan. Khi khai thông tin tờ khai Hải quan nhập khẩu thì lưu ý tại ô “số quản lý nội bộ doanh nghiệp” sẽ điền như sau: “#&NKTC#&Số tờ khai Hải quan xuất khẩu tại chỗ”. Nếu khai trên tờ khai Hải quan giấy mẫu HQ/2015/NK thì điền vào ô “Ghi chép khác”.
Bước 6: Doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ tiến hành thủ tục nhập khẩu hàng hóa bình thường.
Bước 7: Khi thực hiện xong thủ tục nhập khẩu thì doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa tại chỗ báo lại cho phía doanh nghiệp xuất khẩu để hoàn tất các thủ tục.
Lưu ý: Chỉ khi hàng được thông quan thì doanh nghiệp nhập khẩu mới được phép đưa vào sản xuất, tiêu thụ.
Lưu ý đối với thủ tục Hải quan khi mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ
– Tờ khai Hải quan có giá trị làm thủ tục Hải quan trong thời gian 15 ngày kể từ ngày đăng ký.
– Không nên khai báo hàng hóa sai với quy định xuất nhập khẩu vì khi có nghi vấn việc giao nhận hàng hóa không đúng khai báo trong giấy tờ thì sẽ bị kiểm tra, lập biên bản và bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành.
– Doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật Hải quan, phải giao nhận hàng hóa xuất nhập tại chỗ đúng với thời gian quy định trong hợp đồng mua bán và theo đúng trình tự pháp luật quy định.
– Trong trường hợp mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài, hàng tháng doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ phải tổng hợp danh sách các tờ khai hàng hóa nhập khẩu tại chỗ đã được thông quan gửi tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Mẫu khai dựa vào mẫu số 20/TKXNTC/GSQL Phụ lục V ban hành kèm thông tư 38/2015/TT-BTC.
– Với các trường hợp đặc biệt như: Người khai Hải quan là doanh nghiệp ưu tiên và đối tác giao dịch với doanh nghiệp ưu tiên; doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Hải quan và đối tác của họ cũng là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Hải quan có tần suất xuất nhập khẩu tại chỗ nhiều lần trong một thời hạn nhất định (theo 1 hợp đồng, có cùng người mua hoặc người bán) thì được giao hàng trước, khai Hải quan sau. Tuy nhiên thời hạn khai báo Hải quan là không quá 30 ngày kể từ lúc giao nhận hàng.
Doanh nghiệp khi có ý định xuất nhập khẩu hàng hóa tại chỗ cần nghiên cứu thật kỹ về quy trình thủ tục mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ . Có như vậy mới đảm bảo được hàng hóa được xuất nhập khẩu đúng với thời gian dự định của bạn. Để lại bình luận cho chúng tôi nếu bạn cần tư vấn thêm!