Cho thuê xe tải vận chuyển hàng từ Hà Nội lên Hòa Bình và vận tải đi Mộc Châu (Sơn La). Đây là con đường huyết mạch từ Hà Nội lên các tỉnh Tây Bắc. Những đoạn đường ở đây rất ngoằn ngoèo và khuất tầm nhìn.
Nửa cuối tháng 3 vừa qua tôi thực hiện chuyến vận chuyển hàng từ Hà Nội lên Mộc Châu (Sơn La). Trước đó tôi thường vận chuyển ở các cung, tuyến đường vùng đồng bằng và ven biển. Đây là lần đầu tiên tôi đi trên Quốc lộ 6, con đường huyết mạch từ Hà Nội lên các tỉnh Tây Bắc. Trước đây, những lúc rỗi việc, tôi có nghe các xế già tấm tắc khen cảnh đẹp ở cung đường này, chứ tuyệt nhiên chẳng thấy kể về khó khăn vất vả. Điều đó khiến tôi chủ quan, chẳng chịu tìm hiểu kỹ và yên tâm về chất lượng tay lái. Chỉ khi vận chuyển xong chuyến hàng ấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm, như trút được gánh nặng đeo đẳng trên người trong suốt hành trình.
Xe tôi xuất phát từ Hà Nội lúc 16 giờ trong mưa phùn rả rích. Tôi dự kiến trong đầu, quá lắm là 21 giờ sẽ đến Mộc Châu. Chờ trả hàng xong là sẽ về Hà Nội vào sáng hôm sau. Khi chạy từ Hà Nội đến đầu TP Hòa Bình thì trời tối hẳn và cũng chẳng có gì khó khăn. Tôi yên tâm với kế hoạch đã xác định trong đầu.
Thử thách đầu tiên mà tôi gặp phải là dốc Cun. Những đoạn đường ở đây rất ngoằn ngoèo, khuất tầm nhìn. Mưa và mây thi nhau lởn vởn trước đầu xe dày đặc làm tầm nhìn càng bị hạn chế. Rủi là khi bật pha thì tôi chẳng nhìn được mặt đường; lúc ấy trước mắt tôi chỉ là những quầng sáng mờ đục. Còn khi bật cốt, vệt sáng từ hai chiếc đèn vàng ở đầu xe không được chụm lắm. Tôi phải đẩy cao người về phía trước, rướn cổ và căng mắt quan sát. Tay liên tục đảo số ở các đoạn cua gấp. Xe ì ạch bò lên dốc như con ngựa cạn sức cuối đường. Dốc Cun chỉ khoảng 3 đến 5km thôi, nhưng tôi phải bò mất gần một tiếng đồng hồ mới qua được.
Thử thách thứ hai trong chuyến đi ấy là khi xe vượt đèo Thung Khe. Lúc này sương mù càng dầy đặc hơn. Tệ hơn nữa là nơi đây đang sửa đường. Đất đỏ, bùn nhão theo các vệt bánh xe không đều nhau bám nhằng nhịt trên mặt đường, cọc giới hạn mặt đường thưa thớt, điều ấy khiến tôi nơp nớp lo lắng vì không xác định được đâu là chỗ cần đi. Nhiều xe tải khác cũng trong tình trạng ì ạch như tôi. Đi được khoảng 500m thì tôi phải tạt vào lề và dừng xe chờ đợi đến lượt vượt dốc. Mở cửa xe, tôi cầm đèn pin nhanh chóng rời ca-bin. Tạt vào lề đường, một người đàn ông mặc áo phao to sụ lướt đến trước mặt tôi. Anh ta hất hàm:
– Sao thế đồng nghiệp?.
– Chỉ là kiểm tra trước khi vượt dốc. Tôi trả lời.
– Cẩn thận nhỉ, chắc là lần đầu đi tuyến này hả?
– Vâng, sao anh biết?
– Có gì đâu, nhìn vẻ mặt lo lắng của cậu là tớ đoán ra ngay ấy mà. Mấy bữa nay mưa phùn, đường xấu lắm. Nhớ cẩn thận nhé! Nói rồi anh ta lầm lũi tiến về chiếc xe tải đậu phía trước xe tôi, cũng đang chờ đến lượt vượt qua đoạn đường sạt lở như tôi.
Điều anh ta cảnh báo khiến tôi cảm thấy lo lắng nhiều hơn. Hút xong 2 điều thuốc Craven A, tôi lên ca-bin, bắt chiến đấu với bùn lầy và vượt dốc Thung Khe. Tôi cố gắng tập trung tư tưởng, vận dụng hết kinh nghiệm 5 năm cầm vô lăng để đối phó với đoạn đường mờ đục trong ánh đèn. Hai bánh xe dẫn hướng của tôi hết sang phải lại sang trái, luồn lách lên xuống trong những vũng bùn nhão nhoét, sền sệt. Tiếng máy gầm gừ, lúc gắt gỏng, lúc êm êm đều đều trườn qua một khúc cua gồ ghề. Cứ như vậy, tôi điều kiển xe lầm lũi đi trong sương mù gần một giờ đồng hồ mới lên được đỉnh dốc mà chẳng kịp liếc mắt nhìn sang hai bên đường xem cảnh vật ở đây có khác gì so với ở đồng bằng, nơi tôi đã từng đi qua.
Khi lên đến đỉnh dốc, tôi chút một hơi thở dài khoan khoái. Mồ hôi ướt đầm cả lưng áo tôi. Tôi bắt đầu cho xe xuống dốc. Từ đây tôi không còn thấy những đám sương mù lửng lơ và lảng bảng trước đầu mũi xe. Nền đường đã rõ ràng hơn trước mắt tôi. Ánh điện sáng trắng soi rõ mảng ta-luy đá đen thẫm bên đường và miệng vực sâu hoắm phía bên nghế phụ. Tôi tự tin điều khiển xe xuống đèo Thung Khe.
Phải 23 giờ đêm hôm đó tôi mới đến Mộc Châu và vào nơi giao hàng, muộn hơn so với tính toán của tôi gần 2 giờ đồng hồ. Sáng hôm sau, khi đã trả hàng xong, tôi đi một vòng kiểm tra xe. Điều chơ trêu là, ốc quang nhíp bị loảng, các lá nhíp ở bên phụ đã bị trồi ra ngoài. Tôi bàng hoàng, mồ hôi túa cả ra trên trán. May quá, nếu hỏng dọc đường thì tôi sẽ vất vả hơn nhiều. Đặc biệt là uy tín với chủ hàng sẽ mất. Nguyên nhân hỏng hóc này được tôi xác định là chẳng phải do chở hàng vượt quá tải trọng. Cái chính là do tôi chủ quan lâu ngày không chịu kiểm tra, vặn chặn theo đúng quy trình. Nhân tiện phát hiện này, tôi quyết định đưa xe vào ga-ra để thợ kiểm tra tổng thể. Vậy là mãi đêm hôm ấy tôi mới về được đến Hà Nội. Chuyến đi này bổ sung cho tôi thêm một kinh nghiệm để đời trong nghề. Dù đi đâu thì cẩn thận kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện cũng không bao giờ thừa.