“Bao nhiêu năm gắn bó với tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội vào Quảng Bình, Quảng Trị thì con gái tôi được chừng ấy tuổi”, anh Vũ Văn Huy – nhân viên lái xe của Indochinapost chia sẻ.
Với anh, sáng thứ 2 đầu tuần thật khác thường, không xô bồ, không hối hả, không tất bật với công việc, anh đưa vợ, con đi ăn sáng rồi đưa con đi học, đưa vợ đi làm. Những việc tuy nhỏ nhặt nhưng chúng lại có ý nghĩa với anh, bởi thời gian rất eo hẹp, những phút giây bên gia đình nhiều lúc cũng thật hiếm hoi. Thậm chí có khi, cả 1 tuần anh đi làm khi con chưa ngủ dậy, về nhà lúc nó đã ngủ rồi. Một tuần hai bố con không được nói chuyện, ăn cơm, vui đùa. Anh Huy tâm sự: “Với cánh tài xế chúng tôi, cuộc sống, gia đình, kinh tế luôn là gánh nặng. Cuộc sống hối hả, nay đây mai đó, thời gian quây quần bên gia đình luôn bị gián đoạn, nhưng cũng may là tôi có hậu phương vững chắc, luôn là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khắn, vất vả”.
“Đã 11 năm trôi qua, đứa bé còn nằm khóc oe oe ngày nào, nay đã học hết cấp 1, chuẩn bị vào cấp 2. Còn nhớ những ngày con mới chào đời, đó cũng là lúc tôi bắt đầu lái xe chuyên chạy tuyến Hà Nội đi Quảng Bình rồi vào Quảng Trị. Kinh tế gia đình do một tay tôi chèo chống, do vậy, dù vợ đẻ nhưng tôi vẫn không thể hàng ngày ở nhà chăm sóc vợ và con. Tất cả vẫn phải nhờ đến ông bà nội. Hôm nào có chuyến hàng đi sớm, tôi dậy giặt tã, quần áo cho vợ và con, nấu sẵn nồi cháo móng giò ủ trên bếp, xong xuôi mọi việc tôi bắt đầu đi chở hàng”, anh Huy kể.
Khi tôi hỏi: “Lái xe bao nhiêu năm như vậy, những lúc mệt mỏi, rồi thì những lúc xa nhà nhớ vợ, nhớ con, anh làm thế nào để cho vơi đi nỗi nhớ?”. Vừa dứt câu hỏi, anh Huy vừa cười vùa mở ví lấy tấm ảnh và đưa cho tôi xem, anh bảo: “Liều thuốc tốt của tôi đây cô ạ”. Bức ảnh gia đình, các thành viên đều nở nụ cười tươi, cảnh vật xung quanh trở nên nhỏ bé, làm nền cho một gia đình tỏa sáng. Anh Huy tiếp lời: “Nhưng bây giờ công nghệ càng phát triển rồi, nó càng giúp con người rút ngắn khoảng cách, kể cả khi đi xa, gia đình vẫn luôn theo mình đến bất cứ nơi đâu. Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi dọc đường, tôi lại gọi điện về nhà, bằng camera, không những có thể nghe được giọng con mà còn nhìn trực tiếp khuôn mặt con, nụ cười vô tư, hồn nhiên, đáng yêu. Giọng con bi ba bi bô, nói với bố rằng, bố đi cẩn thận, về với con sớm. Tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc”.
Quãng đường vận chuyển từ Hà Nội đến Quảng Bình rồi vào Quảng Trị tuy xa, nhưng cũng không đủ để tạo khoảng cách giữa con người với con người. Đôi mắt của anh Huy ánh lên những dự định trong tương lai, “rồi mai đây, khi những đứa con của tôi khôn lớn, tôi sẽ cho chúng đi trải nghiệm trên tuyến đường này, và kể cho chúng nghe những kỷ niệm, cảm xúc của tôi trong mỗi chuyến đi, để cho những đứa trẻ của tôi biết rằng, các con quan trọng đối với bố mẹ đến nhường nào”, anh Huy chia sẻ.