Nội Dung Chính
Điều khoản phẩm chất là điều khoản nói lên mặt chất của đối tượng hàng hóa mua bán, nghĩa là tính năng (như lý tính, hóa tính, cơ tính, tính chất cơ lí,…), quy cách, kích thước, tác dụng, công suất, hiệu suất của hàng hóa đó. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích các phương pháp quy định phẩm chất hàng hóa, địa điểm, người kiểm tra, giấy tờ chứng minh để đưa vào hợp đồng ngoại thương.
1.Các phương pháp quy định phẩm chất
Những phương pháp xác định phẩm chất được sử dụng trong thương mại quốc tế:
(1) Dựa vào mẫu hàng
Mẫu hàng (sample) là một đơn vị hàng hóa lấy ra từ lô hàng giao dịch, đại diện cho lô hàng về mặt phẩm chất. Phương pháp xác định phẩm chất theo mẫu hàng thường được áp dụng cho những mặt hàng có quy cách phẩm chất ít bị biến động bởi môi trường, khó tiêu chuẩn hóa, khó mô tải như: đồ may mặc, các loại hạt, quặng,…
Trong mua bán hàng hóa quốc tế, mẫu hàng thường do người bán cung cấp, chi phí về mẫu thường tính vào giá hàng. Theo hợp đồng, mẫu hàng sau khi đã được lựa chọn và thống nhất sẽ được đóng gói cẩn thận, bên ngoài được hai bên ký tên, đóng dấu, khi đó mẫu được làm thành 3 mẫu nhỏ, người bán giữ một mẫu, một mẫu do người mua giữ, mẫu còn lại do bên thứ ba giữ để làm cơ sở giải quyết tranh chấp xảy ra sau này.
Mẫu hàng cũng có khi do người mua cung cấp. Khi đó người bán sẽ tổ chức sản xuất thử, sau đó chuyển cho bên mua kiểm tra xác nhận, nếu đạt được yêu cầu thì mẫu hàng sẽ được lựa chọn và phân chia như trên.
Trong hợp đồng mua bán ngoại thương có 3 cách quy định:
+ Hàng có phẩm chất như mẫu đã thỏa thuận
+ Hàng có phẩm chất tương tự như mẫu
+ Hàng có phẩm chất giống hệt mẫu
Mỗi cách quy định phẩm chất đều có thể giống hoàn toàn hay có độ xê dịch khác nhau.
(2) Dựa vào tiêu chuẩn (standard) hoặc phẩm cấp (category)
Tiêu chuẩn là một tài liệu do một cơ quan có thẩm quyền ban hành, trong đó có các quy định về đánh giá phẩm chất hàng, phương pháp sản xuất, đóng gói,…
Phẩm cấp cũng là một cách quy định phẩm chất nhưng chất lượng hàng hóa trong những giai đoạn khác nhau cũng có những sai lệch với nhau. Ví dụ lạc nhân loại I của năm 2009 có độ lớn của hạt khác so với hạt lạc năm 2007 – 2008 là những năm thời tiết không thuận lợi.
Do có nhiều loại tiêu chuẩn, phẩm cấp khác nhau nên khi ký hợp đồng các bên phải quy định: tên tiêu chuẩn thứ hạng, số, ngày tháng và tên cơ quan ban hành tiêu chuẩn. Ví dụ TCVN-210009, ngày 10 tháng 2 năm 2009…
(3)Dựa vào tài liệu kĩ thuật
Trong mua bán máy móc thiết bị chúng ta còn gặp cách xác định phẩm chất theo tài liệu kỹ thuật (technic documents), bởi vì những máy móc thiết bị này được sản xuất theo các thông số kỹ thuật khác nhau. Ví dụ khi mua bán các dây truyền sản xuất, máy móc theo yêu cầu riêng của bên mua…Trong hợp đồng khi thỏa thuận các bên phải làm rõ: các thông số kỹ thuật, loại tài liệu, quyền của các bên đối với tài liệu kỹ thuật…
(4)Dựa vào các chỉ tiêu đại khái quen dùng
Trong thương mại quốc tế khi mua bán nguyên liệu, hàng hóa nông sản người ta còn gặp các phương pháp quy định phẩm chất FAQ, GMQ,…Đây là những cách xác định phẩm chất thiếu chính xác nên ít được dùng.
Ví dụ khi mua lạc nhân loại I, II, III hàng được giao trong một quý. Nếu theo FAQ (Fair average quality), mỗi một lần giao hàng bên bán hoặc bên mua lấy ra một lượng mẫu nhất định, sau khi kết thúc giao hàng người ta trộn đều 3 mẫu này lại và rút ra một mẫu đại diện cho cả 3 lần giao hàng.
Hoặc khi mua hàng thừa ế, khó bán, các bên quy định phẩm chất xác định theo GMQ (Good merchantable quality) tại nước người mua; nếu hàng bán được, điều đó có nghĩa là hàng có chất lượng tốt, nếu không bán được thì hàng đó có phẩm chất kém.
(5)Dựa vào hàm lượng của chất chủ yếu có trong hàng hóa
Khi mua bán các loại quặng, dược liệu,…cách hay được áp dụng là xác định phẩm chất hàng theo các chất chủ yếu có trong hàng hóa. Ví dụ mua quặng vàng thì hàm lượng Au có trong quặng sẽ quyết định chất lượng,. Hay khi mua than đá thì hàm lượng than anthracide, tỷ lệ đất đá, nước trong than sẽ thể hiện chất lượng tốt hay xấu.
Khi ký hợp đồng xác định phẩm chất theo hàm lượng các chất có trong hàng, người mua, người bán phải quy định cụ thể:
+ Tỷ lệ các chất có ích, chất có hại
+ Phương pháp xác định
+ Mức độ thưởng phạt do các chất có ích hay có hại tăng lên hoặc giảm đi
(6) Dựa vào số lượng thành phẩm thu được từ hàng hóa đó
Khi mua bán nguyên liệu hoặc bán sản phẩm, người ta hay sử dụng phương pháp xác định dựa vào lượng thành phẩm thu được. Ví dụ mua hoa hồi, mua lạc nhân về ép dầu, thì tỷ lệ dầu thu được sẽ quyết định chất lượng hoa hồi, của lạc nhân,..
(7) Dựa vào hiện tượng hàng hóa đó (tale quale)
Đây là một phương pháp hay được áp dụng khi mua bán hàng nông sản, khoáng sản. Các bên có thể mua bán cả cánh đồng cà phê, ca cao,.. ngay từ khi mới ra hoa, sau này người bán sẽ giao cho bên mua để bên mua thu hoạch. Số lượng nhiều hay ít người bán không chịu trách nhiệm.
Hoặc khi mua bán quặng theo điều kiện có thế nào giao như vậy, khi hàng tới cảng đến, người mua sẽ nhận theo phẩm chất thực tế của hàng mà không được khiếu nại gì.
(8) Dựa vào sự xem hàng trước
Phương pháp “đã xem và đã đồng ý” (inspected – approved) được áp dụng khi đấu giá hàng, trong trường hợp này người bán sẽ giao hàng cho người mua theo đúng hàng mà người mua đã xem, người mua sẽ mất quyền từ chối nhận hàng, trừ phi chứng mình được người bán gian trá.
(9) Dựa vào dung trọng hàng hóa
Đây là phương pháp xác định phẩm chất hàng dựa vào trọng lượng tự nhiên của hàng hóa. Ví dụ hạt lạc nhân lớn thì lượng dầu thu được sẽ nhiều hơn hạt lạc nhỏ,…Phương pháp này hay được dùng kết hợp mẫu hàng, thứ hạng,…khi mua các loại hạt, nó phản ánh kích cỡ, trọng lượng của hạt,…
(10) Dựa vào quy cách sản phẩm
Quy cách (specification) sản phẩm là các thông số kỹ thuật: công suất, kích cỡ, trọng lượng,…của hàng hóa và thường được sử dụng khi mua máy móc thiết bị, công cụ vận tải,…
(11) Dựa vào nhãn hiệu hàng hóa
Những hàng hóa nổi tiếng trên thị trường người ta hay mua theo nhãn hiệu. Làm được như vậy vì trên thế giới có Công ước về quyền sở hữu công nghiệp (Công ước Paris – 1883, Công ước Madrid – 1891) trong đó quy định về quyền sở hữu nhãn hiệu hàng. Khi mua bán các bên chỉ cần ghi tên nhãn hiệu của hàng là đủ: rượu Bordeaux, xa máy Honda,…Tuy nhiên các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới hay bị làm giả nhất.
(12) Dựa vào mô tả hàng hóa
Đây là phương pháp hay được sử dụng khi mua bán các mặt hàng khó tiêu chuẩn hóa, các mặt hàng tươi sống, khi đó người ta sẽ mô tả các đặc tính lý hóa, hình dáng, kích thước, màu sắc bên ngoài của hàng.
Để xác định chất lượng của hàng trong thương mại quốc tế, người ta sẽ sử dụng kết hợp nhiều phương pháp một lúc.
2.Địa điểm, người kiểm tra, giấy tờ chứng minh
Địa điểm kiểm tra phẩm chất
Trong thương mại quốc tế, phẩm chất hàng hóa thường được kiểm tra tại một trong ba địa điểm sau đây:
– Cở sở sản xuất hàng, tại đây có thể có đại diện của người mua hoặc không. Trong trường hợp đại diện của người mua tham gia thì hợp đồng hai bên phải quy định thêm những vấn đề khác có liên quan: chi phí đi lại, ăn ở, trách nhiệm của người đại diện,…
– Tại địa điểm giao nhận hàng, cách này thường được áp dụng trong mua bán ngoại thương. Tuy nhiên việc quy định này phải phù hợp với các điều kiện thương mại quốc tế Incoterms: FOB, CIF, DDP,…
– Tại nơi sử dụng hàng hóa, thường áp dụng khi mua bán các loại máy móc thiết bị, dây truyền sản xuất,…Khi đó chất lượng hàng hóa sẽ được đánh giá bởi các biên bản nghiệm thu, chạy thử,…
Người kiểm tra
Trong thương mại quốc tế kiểm tra phẩm chất thường do:
+ Người sản xuất thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các quốc gia.
+ Do công ty giám định thực hiện theo sự ủy thác, thuê mua dịch vụ của các bên.
Giấy tờ chứng minh
Trong mua bán quốc tế, thường gặp các loại giấy chứng nhận phẩm chất khác nhau.
+ Giấy chứng nhận phẩm chất có tính chất sơ bộ. Nếu cấp giấy này người mua có quyền kiểm tra lại hàng hóa, kết quả kiểm tra lại sẽ làm cơ sở để thanh toán tiền hàng
+ Giấy chứng nhận phẩm chất có giá trị pháp lý cuối cùng. Nếu cấp giấy này, người mua sẽ mất quyền khiếu nại, trừ phi người mua chứng minh được người bán có lỗi.
Trên đây là thông tin về điều khoản phẩm chất trong hợp đồng ngoại thương, nếu bạn còn thắc mắc về nghiệp vụ xuất nhập khẩu, về học xuất nhập khẩu ở đâu tốt nhất tphcm hà nội, hãy để lại bình luận bên dưới, chúng tôi rất sẵn sàng giải đáp.