Nội Dung Chính
Ngành logistics ngày càng có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Vậy, những xu hướng Logistics trong tương lai là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của indochinapost.vn!
Thực trạng ngành logistics Việt Nam
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin… Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam ở Việt Nam có khoảng những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 DN trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức. Hiện nay, 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics…
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14-16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.
Dự báo, đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mức 300 tỷ USD, hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 67,7 triệu TEU, do vậy, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam là rất lớn. Trong tương lai không xa, dịch vụ cung cấp logistics sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, có thể đóng góp tới 15% GDP của cả nước.
Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công Thương, thương mại điện tử tăng trưởng 35%/năm; doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 ước tính tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
10 xu hướng Logistics trong tương lai
Xu hướng Logistics: Số hóa chuỗi cung ứng (Digitalization)
Số hóa là quá trình ứng dụng các giải pháp công nghệ mới cùng với các nguồn lực khác để thiết kế lại các quy trình chuỗi cung ứng. Số hóa có thể giúp cải thiện tốc độ, tính chủ động và khả năng phục hồi của các hoạt động chuỗi cung ứng, dẫn đến khả năng đáp ứng của khách hàng lớn hơn và cuối cùng là doanh thu cao hơn. Để có thể khai thác đầy đủ lợi ích của việc số hóa, các công ty phải thiết kế lại chiến lược chuỗi cung ứng chứ không phải chỉ đơn giản là ứng dụng một số công nghệ vào các quy trình nhằm cải thiện hiệu suất một chức năng riêng lẻ.
Trong lĩnh vực số hóa, Internet of Things (IoT) giữ một vị trí nổi bật như một giải pháp công nghệ mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực Logistics. IoT là một hệ thống các thiết bị điện toán kết nối với nhau cho phép truyền dữ liệu qua mạng mà không cần nhập các thông tin đầu vào một cách thủ công. IoT giúp các công ty giám sát hàng tồn kho, quản lý kho hàng, tối ưu hóa các tuyến tàu.
Xu hướng Logistics: Phương tiện vận tải tự điều khiển (Self-driving Vehicles)
Với những tiến bộ công nghệ trong AI cũng như nguồn đầu tư ngày càng tăng trong việc phát triển các cảm biến và công nghệ thị giác, các phương tiện tự lái sẽ sớm biến đổi cách thức xe được lắp ráp, vận hành, sử dụng và bảo dưỡng. Từ xe tải cho đến các robot vận tải chặng cuối, phương thức xe tự lái sẽ góp phần thay đổi cách thức Logistics hoạt động bằng cách mở ra các cấp độ an toàn, hiệu quả và chất lượng cao hơn.
Trong Logistics, Phương tiện vận tải tự điều khiển đã dần được áp dụng trong các môi trường nhà kho và bãi trong vài năm qua. Bước tiến hóa tiếp theo sẽ là triển khai các phương tiện tự lái trong các không gian chung và công cộng như trên đường cao tốc và đường thành phố để tối ưu hóa hơn nữa các hoạt động Logistics và tăng tính an toàn. Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi các xe tự điều khiển, robot giao hàng và các phương tiện tự điều khiển khác, điều cần thiết là phải khắc phục những thách thức của quy định của chính phủ, sự chấp nhận của xã hội và mối quan tâm về an toàn.
Xu hướng Logistics: Công nghệ in 3D (3D Printing)
Quá trình in 3D còn được gọi là additive manufacturing (AM), là một quy trình trong đó máy in đọc bản thiết kế kỹ thuật và in bằng vật liệu được cung cấp và tạo ra một sản phẩm 3D cuối cùng bằng phương pháp in chồng các lớp 2D lên với nhau trong quá trình in. Các máy in có khả năng tạo ra các mức thiết kế cực kỳ chi tiết và phức tạp, có thể khó hoặc không thực tế để tạo bằng những phương pháp khác.
Ngày càng được khuyến khích, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong sử dụng các sản phẩm mang tính tuỳ chỉnh cao, tạo ra ít chất thải, sản xuất và phân phối tập trung phân vùng, công nghệ in 3D sẽ góp phần tác động đến ngành Logistics bằng việc đa dạng hóa các chiến lược sản xuất. Một số công ty có thể ngừng quy trình cải tiến & sản xuất truyền thống, thay vào đó sẽ kết hợp công nghệ in 3D với các kỹ thuật sản xuất hàng loạt. Các nhà cung cấp dịch vụ Logistics có thể quản lí các mạng sản xuất phức tạp hơn và tận dụng mạng lưới máy in 3D để cung cấp các dịch vụ Logistics mới.
Xu hướng Logistics: Phân tích dữ liệu và Logistics Big Data
Nhờ vào quy mô ngày càng lớn của tiến trình số hóa, chúng ta có thể thu được một lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau dọc theo Chuỗi cung ứng. Do đó, Các công ty hiện nay thường sử dụng Big Data – một tập hợp dữ liệu lớn và phức tạp – làm nguồn dữ liệu để thực hiện các phân tích, từ đó dự đoán các giai đoạn cao điểm, thiếu hụt nguồn cung trong tương lai và những dự báo khác. Những dự báo trên giúp tăng tính chính xác khi đưa ra quyết định chiến lược nhằm cải thiện vị thế thị trường và mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các đối thủ khác.
Việc ứng dụng Big Data và Phân tích dữ liệu trong ngành vận tải cũng đang giúp một số doanh nghiệp đưa ra quyết định thu mua sáng suốt hơn. Hơn nữa, theo The Council of Supply Chain Management Professionals, hơn 90% chủ hàng và các công ty Logistics cho rằng việc ra quyết định dựa trên dữ liệu là cực kỳ quan trọng. Chính vì lý do đó, việc phân tích dữ liệu dựa trên Big Data sẽ cải thiện chất lượng và hiệu suất kinh doanh qua những dự báo nhu cầu, quản lý hàng tồn kho, tối ưu hóa tuyến đường và quản lý lao động hiệu quả …
Xu hướng Logistics: Trí tuệ nhân tạo (AI)
Các giải pháp AI tiên tiến đang được ứng dụng ở nhiều chức năng trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các hoạt động kho hàng. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã góp phần chuyển đổi cách thức các nhà cung cấp dịch vụ Logistics hoạt động, là hệ quả của xu hướng tự động hóa và các cải tiến không ngừng trong kỹ thuật điện toán. AI sẽ tăng cường chuyên môn của con người thông qua các hệ thống giúp tạo ra những hiểu biết mới từ Big Data và loại bỏ các nhiệm vụ khó. Trong Logistics, AI sẽ cho phép tự động hóa các hoạt động hỗ trợ, dự báo, quản lí tài sản trong Logistics và tạo ra các mô hình trải nghiệm khách hàng mới.
Khái niệm về robot AI và tự động hóa cũng được triển khai rộng rãi trong chuỗi cung ứng. Các thế hệ robot hiện nay dễ lập trình, linh hoạt và giá cả cũng sẽ được tối ưu hơn. Vai trò của Robot là hỗ trợ người lao động với các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và những công việc thử thách về thể chất.
Xu hướng Logistics: An toàn Logistics
Với sự kết nối Internet ngày càng mạnh mẽ đồng nghĩa với việc những lo ngại về an ninh mạng cũng sẽ ngày càng gia tăng tại các công ty Logistics. Hơn nữa, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng là mối quan tâm chính khiến sự an toàn trong các giải pháp vận tải trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.
Các cuộc tấn công liên tục vào các trang web của các công ty thương mại điện tử lớn như Amazon, Walmart và các công ty khác đã cho thấy các mối đe dọa an ninh mạng là rất dể xảy ra với các doanh nghiệp. Chính những lý do đó đã khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ Logistics tập trung hơn vào việc cung cấp các giải pháp vận chuyển, vận tải an toàn. Ngoài ra, các công ty Logistics còn phải lưu ý đến việc hàng hóa bị thất thoát và hư hỏng bên cạnh việc mất cắp dữ liệu.
Xu hướng Logistics: Áp dụng nền tảng công nghệ đám mây trong Logistics (Cloud Logistics)
Các môi trường làm việc phức tạp, dễ biến đổi chính là môi trường lí tưởng cho việc ứng dụng nền tảng công nghệ đám mây. Không những cho phép một loạt các mô hình kinh doanh mới dựa trên nguyên tắc xem Logistics là một loại hình dịch vụ (Logistics as a Service – LaaS). Nền tảng này ngoài ra còn giúp các nhà cung cấp dịch vụ Logistics có thể kích hoạt hoặc hủy kích hoạt các dịch vụ tùy chỉnh theo nhu cầu (sử dụng phương thức trả tiền cho mỗi lần sử dụng). Điều này cho phép các nhà cung cấp dịch vụ mở rộng mô hình của mình mà không yêu cầu chi phí truyền thống trong phát triển, thiết lập và bảo trì cơ sở hạ tầng CNTT riêng.
Xu hướng Logistics: Công nghệ Blockchain
Blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán khác có thể loại bỏ các lớp phức tạp đáng kể khỏi các Chuỗi cung ứng toàn cầu. Blockchain có thể tạo điều kiện cho sự minh bạch hơn giữa các bên liên quan Chuỗi cung ứng, hỗ trợ tự động hoá các quy trình hành chính và thương mại. Các khái niệm về hợp đồng thông minh cũng sẽ tạo cơ hội phát triển cho các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực Logistics.
Xu hướng Logistics: Tính bền vững (Sustainability)
Các quy định nghiêm ngặt hơn và các trở ngại lớn hơn về nguồn lực làm cho các công ty logistics bắt buộc phải tìm ra những cách mới để giảm tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, nhận thức về các vấn đề phát triển bền vững trong người tiêu dùng được nâng cao đồng nghĩa với việc vận tải “xanh” sẽ có ngày càng có giá trị.
Phân khúc vận tải đường sắt được xem là phương thức thân thiện với môi trường nhất vì vận chuyển bằng tàu điện phương. Vận tải đường hàng không, đường biển và đường bộ sẽ phải đối mặt với gánh nặng ngày càng tăng về tuân thủ các quy định về môi trường cũng như việc nâng cấp hoặc thay thế đội xe/đội tàu để đáp ứng tiêu chuẩn mới về khí thải. Các công ty dịch vụ logistics cũng có thể phải chịu áp lực từ các khách hàng để theo đuổi một lộ trình “xanh”.
Xu hướng Logistics: Đóng gói hàng thông minh (Smart Containerization)
Việc áp dụng các container tiêu chuẩn đã thay đổi toàn bộ ngành vận tải hàng hóa toàn cầu, mang lại những cải tiến lớn về hiệu suất và tạo thuận lợi cho thương mại. Tuy nhiên, nhu cầu trong việc đa dạng hóa khối lượng container và các áp lực về chi phí và thời gian ngày càng tăng đòi hỏi các định dạng container và quy trình đóng hàng mới, đặc biệt trong bối cảnh các mạng lưới Logistics đang được sử dụng chung và cùng sự phát triển của hoạt động giao hàng trong đô thị. Các hình thức đóng gói mới cũng rất cần thiết để xử lý khối lượng vận chuyển các đơn hàng lẻ trong thương mại điện tử.
Trên đây là những xu hướng logistics trong tương lai. Tìm hiểu ngay những kiến thức khác liên quan tới logistics và để lại bình luận cho chúng tôi nếu bạn còn gì thắc mắc.