Quốc lộ 6 là trục đường chính nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc của Việt Nam. Chiều dài toàn tuyến của đường là 504 km và đi qua 4 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Hoà Bình, Sơn La và Điện Biên.
Tuyến đường quốc lộ 6 dài hơn 580 km, giao thông giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên dễ dàng, thuận lợi đều nhờ trục đường này. Điểm đầu Quốc lộ bắt đầu từ cầu sông Nhuệ, quận Hà Đông, Hà Nội (Km0); điểm cuối là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Trên toàn tuyến có nhiều đèo lớn với chiều dài từ 4 đến 32 km. Đèo dài nhất phải kể đến đèo Pha Đin từ km360 đến km392 dài 32 km, độ dốc 10%. Đèo Pha Đin là nơi gặp nhau giữa trời và đất, dài 32 km, độ cao hơn 1000m, con đường khúc khuỷu, chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ và ngoạn mục giữa bao la trùng điệp của cảnh núi rừng Tây Bắc.
Đèo Pha Đin là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc. Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển và địa thế rất hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Để lái xe an toàn trên đường đèo núi liên tục đổ cua, xuống dốc, anh Đỗ Quốc Trưởng, lái xe lâu năm của Indochinapost chia sẻ một vài kỹ năng khi đi đường đèo, đường núi như sau:
Việc đầu tiên là kiểm tra toàn bộ xe trước khi khởi hành. Kiểm tra kỹ các bộ phận như phanh chân, phanh tay, cần gạt nước, sưởi, điều hòa, ống xả trong tình trạng tốt. Đảm bảo dầu phanh và dầu hệ dẫn động đầy đủ. Ngoài ra cần kiểm tra bề mặt, áp suất lốp và luôn chú ý có lốp dự phòng.
Sử dụng nguyên tắc lên số nào xuống số đó. Có thể cài số 2, số 3 đểu leo dốc, tùy thuộc vào độ dài và dốc của đèo. Khi bắt đầu đổ đèo, thiết lập tốc độ và cấp số phù hợp với độ dài và độ dốc của đèo. Ví dụ tốc độ 40 km/h ở số 3. Bắt đầu thả dốc, không dùng chân ga và chân côn, chỉ dùng chân phanh. Khi xe trôi xuống dốc máy sẽ kêu to hơn và trôi nhanh dần, lúc này nhấp giữ phanh khoảng 3 giây để về lại tốc độ cần thiết rồi thả ra để xe tự trôi, tiếp tục như thế cho những đoạn đường còn lại. Nhất thiết không được sử dụng kiểu rà phanh liên tục (trail-braking) khi đổ đèo. Nếu cần làm mát động cơ, tìm nơi đỗ an toàn ngoài đường di chuyển, để xe chạy không tải, lưu ý không tắt máy và không bao giờ mở nắp két nước. Một cách nhanh hơn để làm mát động cơ là bật chế độ sưởi nếu có, nhưng sẽ gây khó chịu đôi chút cho lái xe.
Ngoài ra, lái xe cần lưu ý thêm những điểm sau: không nên bám vạch chia giữa đường để chạy bởi đường đèo núi hẹp hơn đường quốc lộ ở đồng bằng. Trong một số trường hợp, việc làm này còn dẫn đến các tình huống xấu đối với các xe đi ngược chiều khi vào cua. Trong điều kiện thời tiết xấu như sương mù, mưa gió, tuyết, lái xe đi chậm, quan sát nhiều hơn, bật đèn sương mù và luôn nhớ bám vạch kẻ đường. Thời tiết xấu dẫn tới mất độ bám đường và có thể dẫn tới sạt lở, vì thế luôn cảnh giác, có thể dừng lại nếu cảm thấy nguy hiểm.
Đi đường đèo núi cần tập trung cao độ và thân xe chuyển hướng nhiều nên dễ dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi. Lái xe nên có 2 người để thay phiên nhau lái hoặc nếu đi một mình cần cân nhắc về sức khỏe, chỉ chạy xe khi thật sự tỉnh táo, nếu mệt phải dừng lại nghỉ ngơi để giữ tỉnh táo để tiếp tục chặng đường./.