Chuỗi cung ứng như một kênh nối sản xuất tới tiêu thụ. Ta xét trường hợp đơn giản với một nhà sản xuất, sản phẩm được sản xuất hàng loạt và cung cấp cho nhiều hộ tiêu thụ, vì vậy cần phải quản lý sản phẩm đó, rồi phân phối cung ứng cho các hộ tiêu thụ. Đòi hỏi này phát sinh ra các trung tâm phân phối. Trong trường hợp đơn giản này trung tâm phân phối đóng vai trò như một bồn chứa và có nhiều kênh nhỏ hơn phân phối sản phẩm, và tiết lưu dòng sản phẩm theo yêu cầu của các hộ tiêu thụ. Vì vậy một trung tâm phân phối gắn liền với một hệ thống kho bãi lưu giữ bảo quản hàng hóa và nhận-gửi hàng.
Tuy nhiên trong thực tế các công việc mua bán sản phẩm thường không được thực hiện trực tiếp giữa người sản xuất và hộ tiêu thụ, mà qua hệ thống các nhà bán buôn và bán lẻ. Hệ thống này chính là hệ thống phân phối sản phẩm, công việc cũng được thực hiện thông qua các trung tâm phân phối. Đối với những công ty bán lẻ, hệ thống phân phối của họ được gắn với nhiều nhà sản xuất các sản phẩm khác nhau và cung ứng cho hệ thống các siêu thị, các nhà bán lẻ khiến cho công việc này rất phức tạp. Khi đó người ta phải thường xuyên nhập hàng các loại từ các nhà sản xuất với một khối lượng lớn; sau đó cung ứng nhiều mặt hàng với khối lượng nhỏ, và cho nhiều hộ khác nhau, với những thời điểm nhập và xuất hàng khác nhau. Điều tốt nhất với các nhà kinh doanh là hàng nhập về được xuất đi ngay hết, không cần dự trữ (no stock the best). Tuy nhiên điều này khó thực hiện được nên vẫn luôn tồn tại một lượng dự trữ nhất định, cần phải lưu trữ và bảo quản trong kho, bãi.
Như vậy về mặt thương mại các trung tâm phân phối phải bảo quản theo dõi kỹ hàng hóa các loại khác nhau, vì khi nhập vào trung tâm thường với khối lượng lớn, và sắp xếp phân loại, bố trí gửi các lô hàng gồm nhiều loại hàng tới hộ tiêu thụ. Thực hiện các dịch vụ kèm theo như đóng gói bao nhãn… Nếu các trung tâm này sử dụng các kho công cộng thì yêu cầu phải cập nhật về số lượng, chủng loại và chất lượng hàng hóa cho chủ hàng.
Mặt khác, các trung tâm phân phối phải chắp nối với bên vận chuyển để có thể đưa hàng đi theo đúng yêu cầu, và làm các công việc vận tải như xếp dỡ, đóng hàng, kể cả việc vận chuyển đường ngắn (tricking) với hàng vận chuyển bằng container.
Trên đây là chúng ta nói về vai trò của trung tâm phân phối trong hệ thống phân phối sản phẩm. Hệ thống này của chủ hàng, bên thương mại. Trong quản trị chuỗi cung ứng người ta áp dụng biện pháp tiếp cận logistics nhằm đảm bảo yêu cầu của khách hàng, với chi phí của khâu lưu thông phân phối thấp nhất. Cách tiếp cận này đòi hỏi người quản lý chuỗi cung ứng phải đảm bảo tính hệ thống của toàn chuỗi, chi phí sẽ tính toán cận nhắc toàn chuỗi, từ nơi sản xuất đến hộ tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu trên người ta phải tính toán cân nhắc về lượng dự trữ sản phẩm tối ưu, xem xét và hạ chi phí các khâu liên quan, hạn chế tối đa lượng hàng hóa hư hỏng trong quá trình lưu thông.
Dòng hàng hóa lưu thông trong các chuỗi cung ứng phụ thuộc vào vận tải, khâu này giúp hàng hóa đi đến nơi cần thiết. Từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hầu như tất cả hàng hóa không thể chỉ đi bằng một loại hình (phương thức) vận tải sắt bộ, thủy,… mà phải đi bằng ít nhất là hai phương thức vận tải. Hay nói cách khác là phải qua vận tải đa phương thức.
Mặt khác chi phí vận tải chiếm một phần rất lớn trong chi phí lưu thông phân phối, đồng thời hàng hóa bị hư hỏng chủ yếu là trong khâu xếp dỡ, vận chuyển. Chính vì vậy người ta xây dựng các ICD, các kho bãi tại các ga, cảng chung nhằm phục vụ các trung tâm phân phối hàng hóa riêng của chủ hàng, chủ yếu là giúp tổ chức bảo quản hàng hóa, vận chuyển, kể cả xếp dỡ, một cách tốt nhất. Nơi kết nối giữa kho vận và phương thức vận tải chủ yếu. Đây là cơ sở vật chất kĩ thuật quan trọng cho dịch vụ logistics. Từ đó dẫn tới việc hình thành các khu tổng kho cho một vùng, một hệ thống kho bãi lớn cho ga cảng, hoặc một khu đầu mối kết nối các phương thức vận tải.
Từ lâu vận tải đã là một chuyên ngành độc lập, không ngừng cải tiến công nghệ vận chuyển và bốc xếp. Các cải tiến công nghệ vận chuyển được tiến hành theo hai hướng là giảm tối đa số lần xếp dỡ trực tiếp hàng hóa để hạn chế hàng bị hư hỏng, và dễ dàng phối hợp liên vận giữa các phương thức vận tải; mặt khác tăng sức chở của phương tiện nhằm hạ giá thành vận chuyển – nhờ đó giảm cước vận tải.
Theo hướng thứ nhất người ta đã cải tiến các thùng chứa hàng đơn giản thành container dùng nhiều lần. Do đó thay vì phải xếp dỡ trực tiếp hàng hóa, người ta xếp dỡ các container có chứa hàng. Đồng thời việc sử dụng container cũng giúp cho việc liên vận chuyển đơn giản hơn, hàng hóa có thể đi qua nhiều phương thức vận tải (đa phương thức) nhưng vẫn được bảo quản nguyên trong container. Đồng thời người ta cũng cải tiến các pallet sao cho hàng có thể xếp nguyên từng pallet, các tác nghiệp nâng hạ, chất xếp hàng để trên pallet đỡ bị hư hại. Chính vì sự tiện lợi của container nên trên thế giới đã xảy ra quá trình container hóa. Người ta đã tiêu chuẩn hóa kích thước các container thành các loại 20”, 40”, 60”. Lấy các kích thước tiêu chuẩn đó để đóng mới các phương tiện vận chuyển như tàu thủy, ô tô, toa xe.
Hàng hóa lưu thông không thể chỉ qua một phương thức vận chuyển, mà đòi hỏi phải có sự tiếp nối giữa các phương thức khác nhau, tức là phải vận chuyển đa phương thức. Công việc tổ chức vận chuyển vì vậy rất quan trọng, nó bao gồm thiết kế tuyến vận chuyển, lựa chọn người vận chuyển, khớp nối các phương tiện vận chuyển… Những công việc này chính là đại lý vận tải, một phần quan trong của các dịch vụ logistics. Do vậy mà công việc forwarding ngày nay phải làm được dịch vụ door-door, tức là phải tổ chức vận tải đa phương thức. Công việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu như chúng ta có các trung tâm phân phối nằm ngay tác khu đầu mối GTVT.
Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải thông qua các cửa khẩu hải quan. Việc hình thành các ICD đã giúp cho công việc thuận tiện hơn rất nhiều. Hiện nay ở nước ta các ICD chủ yếu mới chỉ tiếp nối với các cảng biển bằng đường bộ. Ở phía Nam đường sắt chưa đến tới các cảng chính. Đây là một điểm yếu của hệ thống GTVT nước ta. Với hệ thống GTVT như vậy thì chắc chắn là các chuỗi cung ứng còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy chúng ta cần đưa hệ thống đường sắt kết nối với các cảng chính, và cần xây dựng những trung tâm đầu mối GTVT lớn, có thể là tại cảng, hay tại một khu tổng kho nào đó.
Như vậy chúng ta thấy vai trò hết sức quan trọng của khu đầu mối vận tải. Chính tại đây hàng hóa sẽ dễ dàng chuyển tải từ phương thức vận tải này sang phương thức vận tải khác. Do đó mà dòng lưu thông hàng hóa trôi chảy hơn và tốn kém ít hơn.
Khu đầu mối nếu không nằm trong phạm vi cảng chính thì cần được hoạt động như một ICD để phục vụ trực tiếp cho hàng hóa xuất nhập khẩu.