Theo cục Hàng Hải Việt Nam, năm 2015 tổng sản lượng dịch vụ vận tải do đội tàu biển việt nam thực hiện đạt khoảng 118,7 triệu tấn, tăng 9,5% so với năm 2014 – mức tăng lớn nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, đội tàu biển của Việt Nam mới chỉ đảm nhận được 27,8% tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng, hơn 70% thị phần còn lại thuộc các hãng tàu của các công ty vận tải nước ngoài.
Bên cạnh đó, mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi và đường bờ biển dài hơn 3.260km, tạo cơ hội lớn cho phát triển đội tàu biển nhưng năm 2015 VN chỉ xếp thứ 28 thế giới về Chỉ số kết nối tàu biển quốc gia với 45 điểm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản.
Nguyên nhân do lượng hàng hóa XNK của VN thấp, hệ thống cảng biển thiếu tập trung, ít cảng nước sâu, cơ sở hạ tầng cảng biển lạc hậu nên tàu mẹ của các hãng dịch vụ vận tải lớn không ưu tiên cập cảng. Hơn nữa, đội tàu biển VN phát triển khá manh mún, tải trọng đội tàu thấp, năng lực quản lý kém nên nhiều công ty khai thác tàu biển hoạt động không hiệu quả… làm hạn chế khả năng kết nối vận tải biển. Cụ thể, những bất cập của đội tàu biển VN bao gồm:
Về sản lượng vận tải
Theo số liệu từ Đề án tái cơ cấu ngành GTVT, tỷ lệ thị phần vận tải hàng hóa bằng đường biển hiện nay trong tổng sản lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa mới chỉ đạt 17,6% (trong khi dịch vụ vận chuyển nội địa đường bộ hiện vẫn ở mức cao với 75,3% tổng sản lượng vận tải), tỷ trọng này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một quốc gia có lợi thế rất lớn trong phát triển vận tải biển như VN.
Về các tuyến vận tải
Đội tàu biển VN hầu như mới chỉ hoạt động trên các tuyến vận tải nội địa với thị phần chiếm hơn 90%.
Trên các tuyến quốc tế, đội tàu biển chủ yếu chạy các tuyến ngắn quanh khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á và cũng chỉ chiếm khoảng 12% thị phần trên các tuyến này. Mặc dù chiếm thị phần lớn nhưng vận tải biển nội địa vẫn đang đối mặt với những khó khăn về giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm và mất cân đối giữa hai chiều vận tải Bắc – Nam (chiều từ Bắc vào Nam chỉ đạt khoảng 60% so với chiều từ Nam ra Bắc).
Về cơ cấu đội tàu
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến năm 2015 đội tàu chở hàng của VN có 1.849 tàu (chưa kể 38 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài) với tổng trọng tải là 7,3 triệu DWT. Tuy nhiên, cơ cấu đội tàu VN nhìn chung còn chưa hợp lý. Trong xu hướng container hóa đội tàu của thế giới, tàu container của VN chỉ có 64 chiếc, chiếm 3.5%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng trung bình 13% của thế giới. Gần đây, tốc độ tăng tưởng tàu container của thế giới khoảng 7,7%, thì VN mới chỉ tăng khoảng hơn 1%. Ngược lại, tàu chở hàng tổng hợp chiếm số lượng lớn nhất với 1.085 chiếc, tương đương 58,7%. Tiếp theo đó là tàu chở hàng khô với 318 chiếc (chiếm 17,2%). Tàu chở dầu và hóa chất với 185 chiếc (chiếm 10,5%) nhưng được sở hữu rất phân mảnh bởi nhiều chủ tàu. Tàu chở hàng rời có 188 chiếc (chiếm 10,2%) nhưng khả năng khai thác nhìn chung kém hiệu quả.
Về sở hữu đội tàu
Theo đánh giá chung của Cục Hàng hải Việt Nam, số chủ tàu của VN khá nhiều nhưng năng lực tài chính và trình độ quản lý còn hạn chế. Trong số 597 chủ tàu, chỉ có 33 chủ tàu sở hữu đội tàu có tổng trọng tải trên 10.000 DWT, còn lại 564 chủ tàu nhỏ thuộc các thành phần kinh tế tư nhân tại các địa phương như Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Cần Thơ… nhưng chỉ quản lý 27% tổng trọng tải đội tàu.
Về loại hình tàu biển
Bên cạnh những hạn chế chung kể trên, trong mỗi loại hình tàu biển cũng tồn tại những bất cập riêng.
Đội tàu hàng rời: chủ yếu vận chuyển các mặt hàng nông sản (gạo, đường…), các mặt hàng sắt thép, quặng sắt, phân bón, than cám, xi măng… trên tuyến nội địa và các tuyến ngắn ở Đông Nam Á, Trung Quốc hoặc một số tàu vận chuyển trên tuyến xa đi Tây Phi, Nam Mỹ, Đông Âu. Hiện tại, nhóm tàu hàng rời có tải trọng dưới 10.000 DWT chiếm số lượng nhiều nhất nhưng chỉ chiếm 13% tổng trọng tải. Tàu cỡ 20.000 – 30.000DWT chiếm 47% tổng trọng tải, và loại trên 40.000DWT số lượng rất ít nhưng chiếm 21% tổng trọng tải tàu hàng rời của VN.
Việc khai thác tàu hàng rời của các DNVN nhìn chung rất kém hiệu quả, tỷ lệ thời gian tàu chạy có hàng bình quân chỉ khoảng 30 – 35%, thời gian các tàu hàng rời chạy rỗng vẫn còn khá cao, bình quân khoảng 13 – 15% trong năm, thời gian tàu neo chờ làm hàng cũng thường chiếm khoảng 20 – 25%, hiện tượng các tàu chiều đi có hàng trong khi chiều về thiếu hàng rất thường xuyên.
Đội tàu container: Hình thức vận chuyển container đường biển bắt đầu phát triển ở VN từ những năm 1990. Đến thời điểm cuối năm 2015, VN có 15 doanh nghiệp khai thác vận tải bằng tàu container với tổng số trên 64 tàu, tổng trọng tải khoảng 544.106DWT. Đội tàu container VN nhìn chung rất nhỏ về trọng tải, tuổi tàu cao, tốc độ chậm so với các đội tàu container của các hãng nước ngoài. VN chỉ có 2 hãng tàu được xếp trong top 100 hãng tàu container hàng đầu thế giới là Biển Đông và Vinalines, song cũng đều ở những thứ hạng khá thấp.
Phần lớn tàu container của VN chỉ chạy trên tuyến nội địa như Hải Phòng – Đà Nẵng – TP.HCM dưới sự bảo hộ của Chính phủ. Chỉ một số rất ít hãng có tàu chạy sang cảng trung chuyển Singapore và Hồng Kông nhưng tần suất cũng rất hạn chế. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên các tuyến quốc tế đối với các hãng tàu VN ngày càng lớn. Năm 2015, VN đã có trên 40 hãng tàu container quốc tế và hiện đang chiếm khoảng 85% lượng vận chuyển container XNK của VN. Các hãng tàu này hoạt động chủ yếu dưới 3 hình thức là công ty VN làm đại lý, công ty liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài.
Từ những phân tích trên cho thấy, đội tàu biển VN vẫn đang còn tồn tại nhiều hạn chế về sản lượng vận tải, cơ cấu đội tàu và cơ cấu sở hữu cũng như tuyến đường vận tải. Để phát triển loại hình vận tải hàng hóa bằng đường biển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, bên cạnh các giải pháp về quy hoạch hệ thống cảng biển, đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, cải cách thủ tục hành chính tại cảng, Chính phủ và các doanh nghiệp vận tải biển VN cần xem việc phát triển đội tàu là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết.